Niềm tin trên con đường hoàn lương
Trong phong trào thi đua lao động, cải tạo ở Trại giam Kim Sơn những năm gần đây, phạm nhân Bùi Võ Thanh Tùng (SN 1980) tại Đội 12, Phân trại 1, luôn dẫn đầu. Cải tạo được 5 năm thì Tùng đã 2 lần được xét giảm án, tổng cộng 14 tháng. Trong khi chờ đợi đến ngày ra tù, phạm nhân này tranh thủ từng chút thời gian hoàn thiện kỹ năng mỹ thuật để mai này làm kế sinh nhai, chăm lo cho gia đình.
Phạm nhân Bùi Võ Thanh Tùng đang vẽ tranh.
Bùi Võ Thanh Tùng trước kia sống ở thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, được cha mẹ cho học hành đàng hoàng, nghề nghiệp ổn định, sớm lập gia đình, có con. Tuy nhiên, con của Tùng khi vừa sinh ra đã bị bệnh thận đa nang, ứ nước nên phải chuyển vào TP Hồ Chí Minh chữa trị. Trong những ngày vất vả nuôi con, tiền bạc thiếu hụt, có lúc tuyệt vọng, Tùng không làm chủ bản thân, sa chân vào con đường mua bán ma túy.
Nhận bản án 9 năm tù giam, Tùng tủi hổ với bạn bè, mặc cảm vì không làm tròn trách nhiệm với gia đình, trong một phút nông cạn lúc rời phiên tòa, thanh niên này nhảy lầu tự vẫn, song không chết mà chỉ bị gãy hai chân. Ngay sau khi chữa lành vết thương, Tùng được chuyển đến thụ án tại Trại giam Kim Sơn.
“Ngay khi đến đây, lòng tôi đầy tuyệt vọng, chán nản, cảm giác rằng cuộc đời của mình đã chấm hết nên cự tuyệt cả với gia đình. Tuy nhiên, thật không ngờ khi Giám thị Nguyễn Ngọc Kỳ trực tiếp đến gặp, an ủi và chỉ cho tôi thấy tương lai vẫn còn ở phía trước, chỉ cần có quyết tâm, có niềm tin thì sẽ đạt được. Và càng bất ngờ hơn bởi sau đó không lâu, Giám thị đã tìm cách liên lạc với gia đình tôi và động viên mọi người đến thăm nuôi. Đứa con bệnh tật cũng đã khỏe nhiều. Tôi đã khóc rất nhiều khi nghe nó bi bô khoe rằng được chú công an cho một cái bánh nhưng không ăn mà để dành cho ba. Tôi sẽ cố gắng cải tạo tốt hơn nữa để sớm về với những người thân yêu” - Tùng cho biết.
Khi niềm tin đã trở lại, Bùi Võ Thanh Tùng quyết tâm lao động cải tạo và tự rèn luyện bản thân để ngày càng tốt hơn. “Cơ duyên” lại đến khi một lần tham gia vẽ tranh trang trí, cổ động dọc bức tường Trại giam, năng khiếu vẽ của Tùng được Phó Giám thị Trần Văn Kỳ phát hiện. Cùng thời gian này, thực hiện công tác phát triển nghề, rèn luyện kỹ năng lao động, kỹ năng sống cho phạm nhân, Trại giam Kim Sơn tổ chức một lớp vẽ mỹ thuật, mời thầy ở bên ngoài vào dạy cho các phạm nhân có năng khiếu hội họa, trong đó có Tùng. Nhờ vậy, hầu hết học viên lớp vẽ tiến bộ thấy rõ. Từ những pano tuyên truyền đơn giản trước đây, nay Tùng và các phạm nhân khác đã có thể vẽ được những bức tranh rất đẹp, góp phần tô điểm cho quang cảnh Trại giam Kim Sơn thêm phần tươi tắn. Bằng nét vẽ đó, họ đã phác họa những mảng sáng cho tương lai của chính bản thân mình.
“Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để sau khi mãn hạn tù sẽ làm nghề mỹ thuật kiếm sống”, phạm nhân Tùng nói. Niềm tin này càng được củng cố bởi một bạn học trong lớp vẽ này của Tùng là Nguyễn Trùng Dương (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), khi về với xã hội đã mở công ty quảng cáo và hiện công việc làm ăn rất thuận lợi, được mọi người quý mến.
MINH NGỌC