Một tấm lòng với di sản
Ông Văn Tấn Hùng - được nhiều người gọi là hiện tượng của bài chòi không chỉ nghệ nhân này tự nguyện biểu diễn không thù lao trọn đời cho Hội đánh bài chòi TP Quy Nhơn mà còn vì lòng nhiệt thành với di sản của tiền nhân. Kiểu mộ điệu bài chòi, cách yêu di sản có lẽ khá đặc biệt, rất đáng trân trọng của ông khiến nhiều người xúc động.
“Thầy” Hùng và các “học trò” (từ phải sang: Huỳnh Thị Ngọc, Đào Xuân, Trần Quốc Đại) tại một buổi tập hát.
Lỡ hẹn nhiều năm rồi nối duyên lại được với... bài chòi khi đã ngoài 50, ông Hùng tìm đến nhà nghệ nhân giỏi và “bái sư” để học thêm. Nghe phong thanh trong tỉnh cụ già nào biết hô hát bài chòi, có khả năng giữ được ít nhiều câu thai là rong ruổi đi sưu tầm. “Vốn liếng” kha khá thì đánh tiếng xin được chạy “hiệu”, phục vụ không công cho thỏa lòng mộ điệu. Gặp những người cùng sở thích, bèn truyền thụ lại những gì mình có được.
Tìm lại đam mê
“ Bài chòi dân gian Bình Ðịnh đã và đang hồi sinh mạnh mẽ, ngoài chính sách bảo tồn của chính quyền địa phương, còn có phần rất lặng lẽ mà vững chãi từ những người, những việc như “hiệu” Hùng! ”
Mê hô bài chòi, hát bội từ nhỏ, tới tuổi đôi mươi, Văn Tấn Hùng (nay 54 tuổi, quê thôn Giang Bắc, Phước Hiệp, Tuy Phước, sống tại Quy Nhơn để dạy học và làm hiệu bài chòi) càng xác định ca hát (thuộc mảng truyền thống) là nghề nghiệp đời mình. Tham gia và trở thành diễn viên của đoàn tuồng đồng ấu Phước Sơn, ông càng phấn đấu vì giấc mơ nghệ sĩ, chấp nhận sự long đong, không ổn định của nghề để được gắn bó với câu hát, với ánh đèn sân khấu. Song, đi hát bội được 3 năm, ông đành ngậm ngùi rời bỏ để vâng theo lời mẹ nối nghiệp dạy học của gia đình.
Bất đắc dĩ từ giã “giấc mộng nghệ sĩ”, nên khi có cơ hội tìm lại đam mê một thời, ông Hùng hết sức trân trọng và tranh thủ. Những năm qua, khi Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định được phục hồi và tổ chức tại nhiều nơi trong tỉnh, nhất là ở TP Quy Nhơn, Tuy Phước, ông Hùng là khán giả ruột.
Có chút năng khiếu, hiểu biết về loại hình này, qua theo dõi, ông “học lỏm” được kha khá. Để thỏa mãn sự học, ông đến tận nhà nghệ nhân gạo cội Minh Đức ở Cát Hưng, Phù Cát để được chỉ bảo chuyên sâu hơn. “Nghệ bài chòi” vững vàng hơn chút, ông hăng hái tham gia cho hội chơi ở huyện nhà Tuy Phước, biểu diễn tại Chợ Gò, chùa Bà và trở thành nghệ nhân nòng cốt của hội bài chòi Phước Hiệp quê ông.
Theo nghệ nhân Minh Đức, điểm đáng quý ở hiệu Hùng là ngoài tình yêu mạnh mẽ vốn có với bài chòi, ông rất có ý thức học hỏi, bồi bổ để làm giàu nghề chơi này cho mình, cũng là cho cái chung. Nghe ngóng biết được bác Chính, cô Hai Tân ở cùng xã hay bà Bảy tận Mỹ Đức - Tây An (huyện Tây Sơn) hay bác Trí ở Ghềnh Ráng, bác Dũng ở Thị Nại (Quy Nhơn)... từng hô hát bài chòi, còn nhớ hoặc cất giữ nhiều câu thai, là ông Hùng tìm đến để xin về học.
“Chịu khó góp nhặt, sưu tầm như vậy nên tuy tham gia làm hiệu chỉ mới chừng 2 năm thôi, chất giọng, nhịp phách chưa được mùi lắm, nhưng điểm thu hút ở Hùng là có thể hô được nhiều câu thai mới, lạ, hô thật dài rồi mới lộ ra tên con bài, gây cảm giác tò mò, thích thú theo dõi cho người chơi, khán giả”, nghệ nhân Minh Đức cho biết.
Biểu diễn không thù lao, dạy bài chòi miễn phí
Theo chị Quý Nhất, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn, cũng là hiệu tại hội đánh bài chòi mà đơn vị này tổ chức, chị từng rất ngạc nhiên và cảm kích trước đề nghị được biểu diễn, phục vụ không thù lao (cho đến khi nào Trung tâm còn cần) của hiệu Hùng.
Trước đó, sau thời gian dài làm khán giả, tự học, ông Hùng đến xin Hội đánh bài chòi TP Quy Nhơn cho ông tham gia làm hiệu để thực sự hòa mình vào không khí hội hè này, hỗ trợ các hiệu chính... Đến khi làm hiệu được rồi, hiệu Hùng lại khẩn khoản để ông được biểu diễn không công trọn đời!
“Anh Hùng rất thấu hiểu và thông cảm với nỗ lực duy trì hội của Trung tâm, luôn dặn cứ chi cho anh em hiệu chính, nhạc công... đừng bận tâm gì đến anh. Phần việc, vai trò của anh với Hội đánh bài chòi Quy Nhơn càng về sau càng in đậm dấu. Tuy anh rất vô tư nhưng lâu lâu Trung tâm cũng biếu anh một khoản nhỏ tượng trưng, như một sự ghi nhận chân tình của đơn vị với tấm lòng đối với di sản rất đáng trân trọng của anh”, chị Quý Nhất chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo gương “cô Đức”, tức nghệ nhân Minh Đức, người đã nhiệt tâm truyền dạy bài chòi miễn phí cho mình, hiệu Hùng cũng đang dốc lòng chia sẻ mọi hiểu biết về bài chòi cho 3 “học trò” ở Quy Nhơn. Bà Huỳnh Thị Ngọc (69 tuổi, ở phường Trần Hưng Đạo) và anh hiệu trẻ điển trai Trần Quốc Đại (32 tuổi, phường Đống Đa) học “thầy” Hùng được 2 năm nay. Còn anh Đào Xuân (39 tuổi, xã Nhơn Hải) mới theo học được 2 tháng.
Thầy, trò đều có công ăn việc làm ổn định, né giờ làm việc của tất cả ra, mỗi người sắm ít nhạc cụ, trang phục, phụ kiện đơn giản cần thiết, tuần đôi ba lần thầy trò họp mặt để người biết nhiều truyền cho người biết ít, cùng giữ lửa tình yêu bài chòi. Cách cơ bản làm hiệu, tổ chức hội chơi…, trò Xuân theo học sau nhất cũng đã thông tỏ, họ đang háo hức chinh phục bài chòi kể.
Bữa ấy, tại ngôi nhà trọ đơn sơ quay mặt ra sông, 4 thầy trò “đãi” khách vài trích đoạn bài chòi kể, “Châu Đạt bất nhận thê”, “Lang Châu - Lý Ân”, “Lâm Sanh - Xuân Nương”... “Lão với kép thì nhóm mình có rồi, phải xúc tiến nhanh “vụ” thiếu đào, chứ để thằng Đại giả gái hoài tội nó quá thầy ơi”, trò Xuân sốt sắng bàn với thầy Hùng khi anh sảng khoái vỗ vai “đào Quang Xuân” (Đại vào vai – trích đoạn “Lan Châu - Lý Ân”) đang gân cổ lâm li.
Bài chòi dân gian Bình Định đã và đang hồi sinh mạnh mẽ, ngoài chính sách bảo tồn của chính quyền địa phương, còn có phần rất lặng lẽ mà vững chãi từ những người, những việc như “hiệu” Hùng!
“Về hưu, xong việc xã hội rồi,có thể nối lại mối duyên với bài chòi, thiệt tui hạnh phúc ghê lắm! Nên tui như chạy đua với thời gian, sức khỏe, lật đật tìm thầy giỏi để học thêm, rồi đăng ký tập huấn, tham gia hội, chỉ dẫn lại cho người cùng sở thích... Tôi nghĩ, những câu hô hát bài chòi của quê mình mộc mạc mà chứa đựng nghĩa nhơn, rất có tính giáo dục, nên tui rất muốn sưu tầm nhiều câu có nội dung đẹp, để hô hát lên, gieo cái đẹp ấy vào lòng người nghe, đó là tâm nguyện của tui khi quay lại với bài chòi“ - hiệu Văn Tấn Hùng chia sẻ.
SAO LY