Ứng dụng thương mại điện tử tại các cơ sở công nghiệp nông thôn: Góp phần hỗ trợ kinh doanh hiệu quả
Những năm gần đây, công tác phát triển thương mại điện tử (TMÐT) trên địa bàn tỉnh được ngành Công Thương tỉnh tăng cường. Ðiều đáng ghi nhận là khá nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất (CSSX) khu vực nông thôn đã được hỗ trợ xây dựng và ứng dụng có hiệu quả TMÐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các DN, CSSX làng nghề được chuyên gia kỹ thuật của Trung tâm Phát triển TMĐT trang bị kiến thức, kỹ năng quản trị, vận hành, sử dụng website TMĐT.
Từng bước triển khai có hiệu quả
Đến bây giờ ông Nguyễn Cảnh Duy, chủ cơ sở Nguyễn Cảnh Duy (tại xã Canh Vinh - Vân Canh) vẫn chưa quên cảm giác lúng túng của “cái thuở ban đầu” khi mới tiếp cận lĩnh vực TMĐT. Năm 2016, nhờ Sở Công Thương, cơ sở Nguyễn Cảnh Duy được tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng website http://cazin.com.vn có giao diện khá ấn tượng, bắt mắt. Cụ thể, trang web này gồm có các mục: Trang chủ; Giới thiệu; Sản phẩm Cazin; Chính sách & Quy định; Tin tức & Sự kiện; Liên hệ… Ông Nguyễn Cảnh Duy cho biết: Kể từ khi có Website, hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở ngày càng phát triển thuận lợi và đạt được kết quả khả quan.
Theo ông Võ Mai Hưng, Phó giám đốc Sở Công Thương, ngay từ năm 2010, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 -2015”. Mục đích của Kế hoạch là nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về TMĐT, đồng thời hỗ trợ các DN ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh vì vậy có những bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc áp dụng TMĐT để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh hầu như chỉ tập trung ở các DN vừa và lớn. Điều đáng nói là nhiều website TMĐT của các DN chỉ mang tính hình thức, chưa thực sự phát huy vai trò quảng bá hình ảnh, thương hiệu của DN.
Trước tình hình trên, năm 2014, bên cạnh việc trang bị kiến thức cho hàng trăm cán bộ quản lý các sở, ngành, cơ quan, DN, CSSX làng nghề về TMĐT, Sở Công Thương đã xây dựng, hướng dẫn công tác quản trị, vận hành website TMĐT cho 10 đơn vị và giới thiệu thông tin của hơn 40 DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Cuối năm 2015, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4924 về “Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020”. Trong kế hoạch có kinh phí hỗ trợ xây dựng website TMĐT cho 50 DN, cơ sở, làng nghề trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ mỗi năm 10 DN nhỏ và vừa, CSSX làng nghề xây dựng website TMĐT.
Tăng cường ứng dụng TMĐT
Giờ đây, chủ cơ sở trà Dung là anh Nguyễn Cảnh Duy đã khá rành ứng dụng TMĐT trong kinh doanh. Anh cho biết: Hiện sản phẩm trà Dung CAZIN của cơ sở đã có mặt tại nhiều địa phương trong nước. Doanh số bán hàng năm 2016 tăng gần gấp đôi so với năm 2015 (đạt khoảng 1,5 tỉ đồng). Đặc biệt, năm 2016, trà Dung CAZIN đã được bình chọn danh hiệu “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”.
Theo ông Võ Mai Hưng, ngoài cơ sở Nguyễn Cảnh Duy, thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn có khá nhiều DN, CSSX khu vực nông thôn đã được Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng, thiết kế website TMĐT và ứng dụng hiệu quả vào hoạt động kinh doanh. Tiêu biểu trong số này là: Công ty TNHH Nhân Hòa (Hoài Xuân - Hoài Nhơn), http://banhtrangdalop.com; cơ sở sản xuất bánh tráng nước dừa Ba Quan (Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn), http://www.banhtrangdua.com...
Giữa tháng 3.2017, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin (TMĐT - CNTT) triển khai Đề án “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Theo bà Đoàn Nhật Lan, chuyên gia kỹ thuật của Trung tâm Phát triển TMĐT (thuộc Cục TMĐT - CNTT), 7 DN, CSSX của Bình Định được hỗ trợ xây dựng, thiết kế website TMĐT, góp phần tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mua bán trực tuyến… Các đơn vị còn được truyền đạt, hướng dẫn một số kiến thức, kỹ năng quản trị, vận hành, sử dụng website hữu ích.
Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Đề án KC Quốc gia năm 2017, có 7 DN, CSSX vừa đạt danh hiệu “Sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016” được chọn hỗ trợ xây dựng website TMĐT, gồm: Công ty TNHH Thái An (Nhơn Mỹ - An Nhơn); cơ sở sản xuất bún song thằn Hưng Đắt (Nhơn Phúc - An Nhơn); cơ sở nước mắm Như Hoa (Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn); cơ sở mè xửng - bánh hồng Bà Điền (thị trấn Tam Quan - Hoài Nhơn); cơ sở Lê Thị Hiệp - Ba Quan (Hoài Hảo - Hoài Nhơn); Công ty TNHH Nhân Hòa (Hoài Xuân - Hoài Nhơn); Công ty TNHH sản xuất - thương mại GMT (phường Thị Nại - TP Quy Nhơn).
Theo ông Võ Mai Hưng, ngày 11.5 vừa qua, toàn bộ 7 website TMĐT đã được nghiệm thu và bàn giao cho 7 DN, CSSX làng nghề; hầu hết các đơn vị đều ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả của các website TMĐT được hỗ trợ.
VIẾT HIỀN