Siết chặt quản lý an toàn các hồ chứa nước
Toàn tỉnh hiện có 164 hồ chứa nước thủy lợi với tổng dung tích thiết kế 583 triệu m3. Tuy nhiên, do đưa vào vận hành, khai thác đã lâu, nhưng thiếu kinh phí nâng cấp, sửa chữa, nên nhiều hồ đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp kịp thời, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước trước mùa mưa lũ năm nay.
Thi công nâng cấp hệ thống đập đất hồ Mỹ Thuận trên địa bàn xã Cát Hưng (Phù Cát). Ảnh: NGUYỄN HÂN
23 hồ chứa bị xuống cấp nặng
Theo Sở NN&PTNT, phần lớn các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ những năm 1980; ngoài các hồ chứa nước lớn được đầu tư theo trình tự quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, hầu hết các hồ chứa còn lại được xây dựng theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân làm nhà nước hỗ trợ”. Do điều kiện thi công còn nhiều hạn chế, thiết kế đơn giản, thiết bị thi công thô sơ nên qua thời gian vận hành, khai thác và dưới tác động của thời tiết bất lợi nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thuộc Sở NN&PTNT, cho biết: Qua kiểm tra, nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh có hệ thống đập đất, tràn xả lũ chưa đáp ứng tiêu chuẩn phòng chống lũ do Bộ NN&PTNT quy định. Những hư hỏng của các công trình hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện nay là hệ thống đập đất bị thấm nước qua nền, thân đập, hoặc thấm dọc theo cống lấy nước. Mái thượng lưu đập đất bị sạt lở, lớp đá lát khan bị bóc khỏi mái đập; mái hạ lưu xói lở do ảnh hưởng của mưa lũ hàng năm; cao độ và chiều rộng đỉnh đập không đảm bảo, không có đường quản lý hoặc có nhưng hư hỏng, không sử dụng được.
“Qua kiểm tra 164 hồ chứa nước, có đến 46 công trình, hạng mục công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 23 công trình có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ. Đáng chú ý là trong các đợt mưa lũ lớn xảy ra cuối năm 2016, toàn tỉnh có 5 hồ chứa phải đào khẩn cấp tràn xả lũ để tiêu thoát nước, đảm bảo an toàn đập. Cụ thể gồm các hồ: Cây Me, Hố Cùng, Thuận An, An Tường (huyện Phù Mỹ) và hồ Hóc Huy (huyện Phù Cát)” - ông Hải cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho biết: Hiện nay, trong số 15 hồ chứa thủy lợi do đơn vị quản lý có 2 hồ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, gồm hồ Núi Một (An Nhơn) và hồ Vạn Hội (Hoài Ân). Đối với hồ Núi Một, hiện hệ thống cống lấy nước của hồ bị hư hỏng gây rò rỉ, thẩm lậu qua đập đất; tràn xả lũ bị sạt lở nặng, không đảm bảo an toàn. Còn hồ Vạn Hội, các đợt mưa lũ lớn xảy ra vào cuối năm 2016 làm sạt lở núi bồi lấp lòng hồ, gây thiệt hại nặng đến thân đập và tràn xả lũ. Hiện nay, đơn vị đang đề nghị UBND tỉnh và ngành chức năng hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các hồ trên nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ sắp đến.
Theo ngành chức năng, công tác quản lý các hồ chứa nước trên địa bàn toàn tỉnh còn khá lỏng lẻo; hầu hết các hồ chứa nước không có hồ sơ kỹ thuật, cơ sở dữ liệu theo yêu cầu. Các chủ hồ không thực hiện việc quan trắc, ghi chép các thông số kỹ thuật của hồ chứa theo quy định. Công tác duy tu, bảo dưỡng hàng năm chưa được quan tâm đúng mức, do vậy công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng.
Siết chặt quản lý
Trước thực trạng nhiều hồ chứa đang bị xuống cấp, hư hỏng, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 15.5.2017 yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ công trình thường xuyên kiểm tra, đánh giá an toàn hồ chứa, sửa chữa các hạng mục xung yếu, lập phương án phòng chống lụt, bão theo quy định; quan tâm kiểm tra hệ thống đập đất, cống lấy nước, tràn xả lũ của các hồ chứa theo phương châm “3 sẵn sàng” và “4 tại chỗ”. Tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng, đảm bảo vượt lũ an toàn trước ngày 31.8.2017.
Theo ông Phan Xuân Hải, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, Chi cục Thủy lợi đang điều tra, khảo sát khôi phục hồ sơ kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu của các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, nhằm phục vụ công tác quản lý, vận hành đi vào quy củ hơn. Ngành cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương, các HTXNN có công trình hồ chứa tổ chức rà soát, kiện toàn bộ máy quản lý, khai thác, bố trí cán bộ kỹ thuật đủ năng lực quản lý các hồ, đập theo đúng quy định của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị, địa phương quản lý hồ chứa phải xây dựng ngay phương án bảo đảm an toàn hồ chứa trong mùa mưa bão trình UBND tỉnh phê duyệt.
Hiện Sở NN&PTNT đang tập trung chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa nước xung yếu gồm: hồ Mỹ Thuận (xã Cát Hưng, Phù Cát), hồ Hội Khánh (xã Mỹ Hòa, Phù Mỹ), hồ Vạn Hội (xã Ân Tín, Hoài Ân), hồ Núi Một (xã Nhơn Tân, An Nhơn)… Đối với những hồ chứa bị xuống cấp nhưng chưa có kinh phí sửa chữa, ngành Nông nghiệp tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương, các chủ hồ cần thực hiện các biện pháp gia cố tạm hoặc không cho tích nước trong mùa mưa lũ. Thường xuyên cập nhật và báo cáo thông tin về hiện trạng các hồ chứa cho Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh trong suốt thời gian diễn ra mưa lũ.
“Trong năm nay, từ nguồn vốn vay bổ sung của Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp miền Trung do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ, tỉnh đã đầu tư 58 tỉ đồng để sửa chữa hồ chứa nước Hội Khánh và Mỹ Thuận. Đồng thời, từ đầu tháng 7 tới, đơn vị chức năng cũng sẽ khởi công nâng cấp, sửa chữa hệ thống cống lấy nước, tràn xả lũ hồ chứa nước Núi Một với tổng vốn đầu tư 64 tỉ đồng do Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn” - ông Phan Xuân Hải cho biết.
NGUYỄN HÂN