Xây dựng Ðảng về đạo đức
Xây dựng Ðảng là một vấn đề lớn, thường xuyên, được Ðảng ta quan tâm trong suốt tiến trình lịch sử đấu tranh cách mạng của Ðảng, trong đó có nội dung xây dựng Ðảng về đạo đức.
Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ: “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh và khẳng định, đạo đức là cái gốc của người cách mạng, của cán bộ, công chức; và đòi hỏi mỗi cán bộ phải có đạo đức cách mạng, phải kết hợp chặt chẽ phẩm chất và năng lực, hồng và chuyên, đức và tài, trong đó đức là gốc.
Thành ủy Quy Nhơn sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, và triển khai học tập chuyên đề năm 2017. Ảnh: N.V.TRANG
Tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên
Trong những năm qua, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc tổ chức học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong 5 năm qua, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã kiểm tra 22.526 lượt đảng viên. Qua kiểm tra, kết luận 68 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 33 đảng viên (trong đó có 14 cấp ủy viên các cấp). Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 177 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm (trong đó có 89 cấp ủy viên các cấp), kết luận 152 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; phải thi hành kỷ luật 79 đảng viên. Hàng năm các cấp ủy đều gợi ý kiểm điểm những nội dung liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống đối với cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Có thể khẳng định rằng, số đông cán bộ, đảng viên đã thể hiện tinh thần phấn đấu, rèn luyện, nêu gương trên các mặt: gương mẫu thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống; đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực… góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, thang giá trị đạo đức trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã và đang có biểu hiện thấp, đáng lo ngại; công tác giáo dục, cảnh báo, phòng ngừa khuyết điểm, vi phạm về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên còn hạn chế; còn một số cán bộ, đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống nhưng chưa được phát hiện, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Kết hợp giáo dục với rèn luyện và thực hành đạo đức
Cần nhận thức rằng, xây dựng Đảng về đạo đức là để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xứng đáng với niềm tin cậy và sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Do vậy, xây dựng Đảng về đạo đức cần kết hợp giữa giáo dục với rèn luyện và thực hành đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong mỗi tổ chức đảng; cần thực hành đạo đức, thực hành dân chủ, thực hành tự phê bình và phê bình, thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến tham gia góp ý của người dân về xây dựng Đảng. Đề cao tính công khai, minh bạch và chế độ trách nhiệm của từng tổ chức đảng, từng đảng viên. Việc xây dựng Đảng về đạo đức cần gắn chặt với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Xây dựng Đảng về đạo đức là huyết mạch sinh mệnh của Đảng, rất hệ trọng đối với mỗi đảng viên, nhất là những đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, đòi hỏi phải xây dựng hệ thống quy tắc, các chuẩn mực đạo đức cụ thể phù hợp với lĩnh vực, nghề nghiệp công tác của mỗi đảng viên.
Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống cho đảng viên, nhất là giáo dục lý tưởng cách mạng, để mọi đảng viên trọn đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nên thiết thực, có hiệu quả; đừng hô hào suông và hình thức, lãng phí tiền của, công sức và thời gian... Thực hiện đồng bộ các nội dung nâng cao chất lượng đảng viên, quản lý đảng viên; khắc phục cho được tình trạng thiếu dân chủ, tình trạng đảng viên có chức vụ thì đứng trên tổ chức. Cần chủ động phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và từ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp.
Ông cha ta đã đúc kết “phi trí bất hưng”, cần trọng dụng và đối đãi người tài, nhân tài, hiền tài; có chính sách thật tốt để góp phần đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên. Không chỉ kêu gọi tính tự giác mà cần tính nghiêm minh của kỷ luật đảng, của pháp luật, không có vùng cấm cho bất kỳ ai để xử trị những ai suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống… Phải làm rõ trách nhiệm cá nhân của mọi đảng viên, từ đảng viên giữ chức vụ cao nhất đến đảng viên bình thường đều phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng. Thiết nghĩ, cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền giám sát, phản biện và quyền kiểm soát quyền lực của nhân dân đối với hệ thống chính trị của Đảng. Dựa vào nhân dân, vào công luận báo chí và vai trò của các đoàn thể trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên. Quyền lực của cán bộ lãnh đạo phải được kiểm soát và chống lạm quyền.
Lê-nin từng chỉ rõ: Đảng phải tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của thời đại; còn Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Vì vậy, xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là khi Đảng cầm quyền chẳng những cấp thiết mà cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, kiên trì, nhằm giữ vững năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong tình hình hiện nay.
LÊ MINH TUẤN