Ông Nguyễn Văn Trung - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh:
“Công tác đảm bảo ATTP còn gặp nhiều thách thức!”
Nhân kết thúc “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2017”, phóng viên Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh - về một số nội dung liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trong tháng cao điểm vừa qua.
Hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh về vệ sinh ATTP. Ảnh: N.V.T
* Ông có thể nói tóm tắt về kết quả hoạt động của các đoàn thanh tra liên ngành ATTP trong “Tháng hành động vì ATTP năm 2017”?
- Trong đợt thanh tra vừa qua, có thể nhận thấy hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống đều có ý thức chấp hành đúng các quy định của pháp luật về ATTP, vệ sinh cơ sở sạch sẽ, có đầy đủ dụng cụ chế biến thực phẩm. Chủ cơ sở và người chế biến được khám sức khỏe và xác nhận kiến thức về ATTP hàng năm theo quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên còn có một số cơ sở có sai phạm các lỗi như: sử dụng khu vực sản xuất, chế biến, bảo quản, nơi ăn không đảm bảo vệ sinh, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp chế biến thực phẩm, không công bố sản phẩm. Các đoàn thanh tra đã tiến hành xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định.
Kết quả thanh tra có 11 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP, chiếm 15,5% số cơ sở đã kiểm tra, phạt tiền 46 triệu đồng. Điều đó cho thấy ý thức về việc thực hiện công tác vệ sinh thường xuyên, tự kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh ATTP và chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP của một số cơ sở chưa thật tốt.
* Còn về hoạt động của một số ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP ở cơ sở như thế nào, thưa ông?
- Ngoài việc thanh tra, nhắc nhở, xử lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, các đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh còn kiểm tra hoạt động các ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP ở các địa phương.
Nhìn chung, ban chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có kiện toàn và duy trì ban chỉ đạo; có kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì ATTP”, có thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; tăng cường công tác truyền thông trong “Tháng hành động vì ATTP”…
Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở thực phẩm tuyến xã chưa cao, chỉ mang tính nhắc nhở, chưa tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở có hành vi vi phạm. Nguyên nhân là do đối tượng quản lý ở tuyến xã, phường, thị trấn là các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, thu nhập thấp, địa chỉ không ổn định và ý thức chấp hành của chủ cơ sở chưa cao nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
* Vậy theo ông đâu là những tồn tại trong công tác đảm bảo ATTP hiện nay?
- Công tác đảm bảo ATTP nhận được sự chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo tỉnh, nhờ đó, các ngành, các cấp đều dành sự quan tâm đúng mức cho công tác này. Tuy nhiên, hoạt động của ban chỉ đạo tuyến huyện chưa được duy trì thường xuyên, chủ yếu chỉ diễn ra vào các đợt cao điểm theo chỉ đạo của cấp trên vì lý do thiếu kinh phí. Số lượng cán bộ được phân công phụ trách ATTP lĩnh vực nông nghiệp, công thương còn ít, không ổn định. Do đó, công tác đảm bảo ATTP vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Trên địa bàn các huyện hiện chưa có cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung, chủ yếu là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa bảo đảm ATTP. Các huyện vẫn chưa kiểm soát được nguồn gốc của rau củ quả kinh doanh tại chợ vì thiếu nhân lực và kinh phí triển khai thực hiện. Các huyện vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác quản lý đối với hoạt động của các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động do chưa có văn bản của cấp trên.
Đối với các cơ sở sản xuất rượu, chủ yếu là các cơ sở rượu thủ công, sản xuất rượu nhằm mục đích tận dụng phế phẩm phục vụ chăn nuôi. Các địa phương chưa thống kê được số lượng cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn; các cơ sở này chưa được hướng dẫn thủ tục, điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất rượu.
* Xin cảm ơn ông!
LÊ CƯỜNG (Thực hiện)