Đừng chủ quan với bệnh hen phế quản
Hen phế quản là một bệnh do viêm mạn tính niêm mạc đường thở làm tăng tính phản ứng của phế quản đối với các tác nhân kích thích khác nhau dẫn đến co thắt lan tỏa cơ trơn phế quản.
Tại BVĐK TP Quy Nhơn, trong năm 2016 số lượng bệnh nhân hen phế quản người lớn nhập viện điều trị nội trú khoảng 100 trường hợp, có xu hướng giảm hơn các năm trước. Điều này không có nghĩa là bệnh ngày càng ít đi mà có thể do việc điều trị và dự phòng hen ngoại trú đã có nhiều tiến bộ, do đó bệnh nhân ít lên cơn khó thở cấp cần phải nhập viện.
Lứa tuổi hay gặp: hen phế quản hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, thiếu niên giai đoạn trưởng thành, tuổi mãn kinh, mang thai. Bệnh nhân hen phế quản hay đi khám chủ yếu do nguyên nhân khó thở, ho kéo dài, hạn chế vận động thể lực hoặc tình trạng nhiễm trùng phổi kéo dài. Hoặc có thể bệnh nhân vào viện vì cơn khó thở cấp, tím tái, suy hô hấp cấp nếu không xử trí kịp thời có thể tử vong.
Các biểu hiện sớm của bệnh hen: khi mắc hen phế quản bệnh nhân sẽ có một hoặc nhiều các biểu hiện sau: thở khò khè tái đi tái lại; ho từng cơn về đêm. Hay thức giấc về đêm vì ho và khó thở. Ho khò khè, nặng ngực xảy ra khi tiếp xúc dị nguyên: khói bụi, phấn hoa, lông súc vật, thức ăn, một số loại thuốc… hoặc sau vận động, gặp lạnh. Các triệu chứng trên hay xảy ra vào một mùa nhất định trong năm. Ho kéo dài trên 10 ngày sau khi bị cảm. Khi dùng thuốc điều trị hen thì giảm triệu chứng.
Muốn điều trị tốt bệnh hen phế quản, GINA (Chương trình hành động chống hen toàn cầu) đưa ra khái niệm kiểm soát tốt bệnh hen, tức là phải đạt các mục tiêu sau: không có triệu chứng hen (hoặc có ít nhất), không thức giấc do hen, không phải dùng thuốc cắt cơn (hoặc dùng ít nhất), không hạn chế vận động thể lực, chức năng phổi bình thường, không có cơn kịch phát xảy ra. Muốn đạt được các mục tiêu trên cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp: kiểm soát môi trường, giáo dục trong cộng đồng kiến thức về hen, thành lập CLB bệnh nhân hen và các đơn vị quản lý điều trị hen, điều trị cắt cơn và dự phòng cơn đúng phác đồ.
Về phía bệnh nhân, khi những dấu hiệu mắc bệnh, nên đi khám để xác định bệnh, phân bậc hen và phác đồ điều trị cắt cơn, dự phòng phù hợp phân bậc hen của mình. Tham vấn thầy thuốc để tìm và loại bỏ dị nguyên. Cải tạo môi trường sống, chú ý vấn đề thông khí, ánh sáng, độ ẩm của nơi ở và nơi làm việc. Khi trời lạnh hoặc chuyển mùa nên mặc đủ ấm, hạn chế ra ngoài. Khi đi xa nên mang theo thuốc cắt cơn và ngừa cơn. Hiện nay đã có thuốc cắt cơn và ngừa cơn chung trong 1 ống hít tiện việc sử dụng. Giữ số điện thoại của bác sĩ và người thân để có thể trợ giúp khi cần thiết. Khi lên cơn hen nếu đã sử dụng trên 2 lần thuốc cắt cơn thông thường mà không đỡ, nên đi khám ngay.
Muốn kiểm soát tốt bệnh hen phế quản, tránh trở nặng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau: Giáo dục bệnh nhân hen thành người đồng hành cùng bác sĩ trong quản lý hen. Thường xuyên đánh giá và phân bậc hen bằng triệu chứng lâm sàng và chức năng hô hấp. Tránh tiếp xúc yếu tố nguy cơ. Thiết lập kế hoạch điều trị thuốc trong quản lý lâu dài cho từng cá thể hen để người bệnh có thể tự quản lý tại nhà. Theo dõi diễn tiến sức khỏe đều đặn nếu có bất thường nên liên lạc với bác sĩ thường xuyên điều trị, tham vấn hoặc khám lại ngay.
BSCKII. BÀNH QUANG KHẢI
(Trưởng khoa Nội, TTYT TP Quy Nhơn)