Từ 1.6, khoe bảng điểm của con trên Facebook là phạm luật
Những ngày cuối năm học, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh bảng điểm của học sinh được cha mẹ đăng tải. Tuy nhiên, từ ngày 1.6 sắp tới, hành vi này sẽ bị phạm luật.
Chấm dứt “bệnh thành tích” của phụ huynh
Việc cha mẹ cung cấp hình ảnh cụ thể về kết quả học tập của con mà không được con đồng ý không phải là hiếm gặp, nhất là mỗi khi kết thúc học kỳ hay năm học. Từ 1.6, Luật Trẻ em có hiệu lực. Theo đó, nếu trẻ từ 7 tuổi trở lên, cha mẹ cần hỏi ý kiến trẻ trước khi tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ; nếu trẻ chưa đủ 7 tuổi thì cha mẹ có quyền quyết định, nhưng phải xem xét dựa trên mục tiêu vì sự phát triển tốt nhất của trẻ.
Đăng tải bảng điểm trên mạng nếu không có sự đồng ý của trẻ là phạm luật.
Với không ít phụ huynh, bảng điểm đẹp của con là thành quả khiến bố mẹ vui mừng, muốn đăng lên mạng đơn giản để chia sẻ niềm tự hào cùng nhiều người. Tuy nhiên, hệ lụy sau hành vi này là gì?
TS. Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đánh giá quy định cấm đưa bảng điểm lên mạng khi chưa có sự đồng ý từ trẻ là biện pháp tuyệt vời chấm dứt bệnh thành tích của phụ huynh.
TS Hương phân tích, việc bố mẹ khoe con có nhiều hệ lụy. Thứ nhất với những phụ huynh chuyên khoe con thì bản thân họ cũng có áp lực. “Khoe được một lần muốn khoe lần hai và nhiều lần nữa, muốn con lúc nào phải “đỉnh”, phải tuyệt vời... Áp lực lên trẻ con là không thể tránh khỏi”.
Nếu trẻ không đạt như mong muốn, không có thành tích cao để "khoe" thì bố mẹ cảm thấy thất vọng và trút giận dữ vào đầu đứa trẻ. Từ đó, các con sẽ cảm thấy học hành là nghĩa vụ khủng khiếp, mất niềm vui và giảm sút hiệu quả học tập.
TS. Vũ Thu Hương đề cập thêm đến thực trạng “phân cấp” mối quan hệ bạn bè trong lớp học dựa theo thành tích. Các bạn học giỏi thì không chơi với người học kém hơn mình khiến các bạn học "dốt" rất tủi thân. Theo nữ giảng viên, chính bệnh thành tích cũng ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ giữa các đứa trẻ.
Nhiều phụ huynh không cần biết con học được thực sự những gì, chỉ thích chúng có thành tích để… khoe. Nhưng một đứa trẻ đạt điểm cao không chắc chắn có được thành công sau này hơn các bạn điểm kém.
TS. Vũ Thu Hương.
TS. Hương tâm sự, bản thân chị cũng từng học dốt và có người chị gái học rất giỏi. Bố mẹ tự hào về cô chị bao nhiêu thì lại thất vọng về cô em bây nhiêu. Vậy nên hồi bé TS Hương có suy nghĩ chị gái mình thật sướng. Tuy vậy, người chị của TS Hương lại không cảm thấy thế và trả lời cô em gái rằng: "Chị không sướng, vì lúc nào chị cũng cảm thấy cần phải giỏi. Chị chỉ cần ít giỏi đi một chút là bố mẹ thất vọng, bao nhiêu đau khổ sẽ trút lên đầu chị".
Từ ngày 1.6.2017, Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực. Theo đó, luật nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
Từ ngày 1.7.2017, Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em cũng sẽ có hiệu lực. Nghị định quy định rõ thông tin bí mật đời tư của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, địa chỉ thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em…
Bí mật học hành cũng là một phần riêng tư của trẻ
Theo nữ giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, luật đưa ra có thể khiến nhiều người cảm giác "thô bạo" nhưng nó rất đúng khi đứng về quyền lợi của trẻ, bảo vệ chúng. Những thành tích, sai phạm lầm lỗi hay thành quả của trẻ cũng giống như một phần cơ thể trẻ, nó hoàn toàn có quyền giữ bí mật, đó không phải việc của mọi người.
“Một đứa trẻ mặc quần áo thì không ai có quyền bắt nó cởi quần áo hay bắt nó phải cho ai xem khiếm khuyết trên cơ thể. Quay lại chuyện bí mật học hành cũng vậy, chúng cũng không muốn phơi ra ngoài”, TS Hương ví von.
Người lớn cứ nghĩ có quyền đối với con cái mình nhưng không biết hành vi đăng điểm lên mạng có thể gây tổn thương thế nào với trẻ con. Nếu muốn động viên, khích lệ con bố mẹ hoàn toàn có những cách tốt hơn.
“Đưa bảng điểm trên mạng không có giá trị giáo dục hay động viên. Luật cấm là hợp lý để phụ huynh nhìn nhận lại chính mình. Đối với một đứa trẻ đi học quan trọng nhất là trưởng thành và giúp đỡ cho người khác chứ không phải đạt được bảng điểm đẹp hay trên tài bạn bè”, TS, Vũ Thu Hương nhận định .
Đăng bảng điểm lên mạng có mang lại lợi ích gì cho trẻ không?
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Oanh, Phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), chuyên gia về quyền trẻ em, ranh giới giữa việc phạm luật và không phạm luật trong trường hợp này rất mong manh.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh.
“Nếu thông tin đăng tải được con đồng ý thì không sai luật, nhưng bố mẹ cũng cần cân nhắc các hành vi này và đặt câu hỏi liệu việc đăng tải hình ảnh đó có phải vì lợi ích tốt nhất của con hay không?”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh chia sẻ.
Theo ông, cần làm rõ mục đích khi đưa bảng điểm của con lên mạng, đưa cho ai đọc, được ích lợi gì, phụ huynh có hỏi ý con trước khi đăng tải không, thái độ của con với việc này thế nào…
Trong công ước quốc tế về quyền trẻ em có nguyên tắc là “lợi ích tốt nhất của trẻ em”. Do đó, việc đăng tải bảng điểm nói riêng và thông tin của trẻ nói chung phải hướng tới rằng, nó có mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ không. Đặc biệt, mạng xã hội là nơi phụ huynh cần phải cân nhắc thận trọng.
“Đó là mạng thế nào, có kiểm soát được không nếu đưa lên và có mang lại lợi ích cho con trẻ không. Tuân thủ nguyên tắc tốt nhất cho trẻ phụ huynh sẽ hiểu nên hay không nên làm gì”, ông Oanh nói.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Oanh lưu ý thêm, đã từng có trường hợp những kẻ xấu có thông tin và lập kế hoạch bắt cóc trẻ, hoặc có những kẻ biến thái lạm dụng tình dục hay sử dụng thông tin vào mục đích xấu…
Theo Lệ Thu (Dân trí)