Phổ biến các quy định mới về quản lý thuê bao di động trả trước
(BĐ) - Ngày 29.5, tại TP Quy Nhơn, Bộ TT-TT tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 49/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6.4.2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (ảnh).
Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm chủ trì hội nghị; cùng sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp (DN) viễn thông, sở TT-TT các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Thông tin tại hội nghị cho biết, 10 quy định quan trọng và mới nhất của Nghị định 49/2017/NĐ-CP là: thống nhất nơi bán SIM và đăng ký thông tin thuê bao; không còn đại lý bán SIM; bỏ bản khai đăng ký thông tin thuê bao; bỏ lưu trữ bản giấy; không hạn chế số lượng SIM nhưng phải đủ thông tin thuê bao và chính chủ; DN viễn thông có quyền cắt hợp đồng đối với thuê bao không cung cấp lại thông tin thuê bao; bổ sung điểm cung cấp dịch vụ viễn thông di động và chỉ DN được làm điểm ủy quyền; DN viễn thông chịu trách nhiệm toàn bộ; tăng mức xử phạt DN viễn thông; bổ sung hành vi và đối tượng phạt.
Trong khi đó, quy định xử phạt hành chính tại Nghị định 49, trong 36 hành vi quy định có 27 hành vi chỉ rõ đối tượng bị xử phạt là DN viễn thông di động, 25 hành vi phạt chính DN, 2 hành vi phạt người đại diện theo pháp luật. Mức phạt được điều chỉnh linh hoạt và tối đa 200 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm, chứ không bị quy định thành khung cứng như Nghị định số 174/2013/NĐ-CP hay hầu hết các nghị định khác; ngoài ra các chức danh xử phạt cũng được quy định ở mức tối đa theo thẩm quyền.
Tại hội nghị, đại diện các DN viễn thông cũng chia sẻ những khó khăn và trách nhiệm của DN trong việc thực hiện Nghị định 49/2017/NĐ-CP.
• Dịp này, Bộ TT-TT đã tổ chức giao ban quản lý nhà nước giữa Cục Viễn thông và các sở TT-TT khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
THU HIỀN