Phản ứng của thế giới sau vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên
Vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên dường như đang thách thức lòng kiên nhẫn của cộng đồng quốc tế và Bình Nhưỡng có khả năng đối mặt với những hành động cứng rắn hơn.
Tên lửa Pukguksong-2 được Triều Tiên thử hồi tháng 2.2017.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay (29.5) tuyên bố, Nhật Bản và Mỹ sẽ có "hành động cụ thể" để ngăn chặn Bình Nhưỡng sau vụ phóng tên lửa mới nhất rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Ông Abe cũng lên án vụ thử tên lửa mới của Triều Tiên và cam kết cùng với Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác hành động để ngăn chặn sự khiêu khích lặp đi lặp lại của Bình Nhưỡng.
"Chúng tôi đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 mới đây, vấn đề Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi sẽ làm việc với Mỹ để đưa ra hành động cụ thể ngăn chặn Triều Tiên" - ông Abe nói.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng lên án việc Triều tiên phóng tên lửa rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, tuyên bố vụ phóng tạo ra nhiều rủi ro đối với hoạt động hàng không trong khu vực cũng như hoạt động hàng hải ở Biển Nhật Bản. Hoạt động này là sự vi phạm trắng trợn đối với các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc.
Ngay sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có cuộc họp ngắn về vụ việc. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, thông tin thu thập được dường như đó là tên lửa đạn đạo tầm ngắn và hoạt động trong vòng 6 phút, song tên lửa không gây ra bất kì mối đe dọa nào cho Bắc Mỹ.
Trong khi đó, Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế nên thận trọng khi có những hành động cứng rắn hơn sau vụ thử của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi các nước kìm chế.
Sáng sớm nay (29.5), Triều Tiên đã phóng đi một tên lửa tầm ngắn, có vẻ như là tên lửa Scud, từ thị trấn ven biển Wonsan. Tên lửa đã rơi xuống Biển Nhật Bản, cách vùng biển ngoài khơi của Nhật Bản khoảng 300km, sau khi bay được 450 km.
Vụ phóng diễn ra sau hai lần thử thành công tên lửa tầm trung và tầm xa của Triều Tiên trong những tuần qua, bất chấp sự lên án của các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế. Bình Nhưỡng đã đẩy mạnh các vụ thử nghiệm tên lửa trong nỗ lực phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tới Mỹ.
Hôm 28.5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo rằng một cuộc xung đột ở Triều Tiên sẽ trở thành thảm họa, nếu không thể giải quyết bằng con đường ngoại giao. Ông cũng cho hay, Triều Tiên hiện sở hữu hàng trăm khẩu pháo và bệ phóng tên lửa có khả năng chạm tới thủ đô của Hàn Quốc.
Vụ phóng diễn ra chỉ 2 ngày sau khi nhóm G7 cam kết đẩy mạnh các biện pháp nhằm thuyết phục Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Các nhà lãnh đạo G7 đang vật lộn với bài toán hóc búa là làm thế nào để chấm dứt các hành động khiêu khích của Triều Tiên, cùng với sự tham gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon, trong khi Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe có lập trường cứng rắn hơn.
Hồng Hà (Theo RT, CNBC)