Tàu vỏ thép đóng theo NÐ 67/CP bị hư hỏng:
Doanh nghiệp cung cấp máy và ngư dân chưa có tiếng nói chung
Sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế tàu cá vỏ thép sử dụng máy của hãng Doosan (Hàn Quốc) bị hư hỏng, đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Ô tô Ðông Hải (nhà phân phối chính thức của hãng máy Doosan tại Việt Nam) và Chi cục Thủy sản tỉnh đã có cuộc đối thoại với các ngư dân cùng bàn bạc giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, tại cuộc đối thoại, doanh nghiệp (DN) cung cấp máy và ngư dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Ðối thoại không đạt kết quả
Tại cuộc đối thoại, ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Đông Hải, cho biết, DN đã có kết quả kiểm tra các tàu cá của ngư dân sử dụng máy Doosan bị hư hỏng. Trong đó, tàu cá của ông Nguyễn Đức Hưng, ở xã Cát Khánh (Phù Cát), có hiện tượng cải tạo một số bộ phận máy trên tàu, nhưng không báo cáo với nhà sản xuất. Tàu cá ông Lê Văn Hát, cũng ở Cát Khánh, có hiện tượng bộ nước làm mát bị cạn; máy điện có nước vào; táp lô điện bị tháo và buộc dây thừng, ngư dân không thể đổ lỗi cho hãng máy về việc làm này. Về phản ảnh của chủ tàu máy bị hao nhớt là do bị va đập nên ống nước làm mát bị móp và hở, khi bơm nước có áp lực, nước sẽ phun ra từ mối hở, dẫn đến mất nước làm mát máy. Cục phát máy điện trên tàu ông Hát cũng có nước, nên khi ngư dân không biết mà khởi động máy nổ sẽ dẫn đến hư hỏng đầu phát điện.
Chuyên gia của hãng Doosan kiểm tra thiết bị hư hỏng trên tàu cá của ngư dân.
Còn tàu cá của ông Thái Văn Duyệt, ở xã Cát Khánh, lại tự ý lắp thêm tời tự chế bằng đồ cũ vào đầu trục máy chính. Do ngư dân không tham vấn với hãng máy, không biết công suất tời, nên công ty cũng không thể trả lời được hay không được lắp đặt thêm tời phụ như hiện trạng.
Với máy tàu cá của ông Nguyễn Đức Hưng, ngư dân có phản ánh bơm yếu, chất lượng kém, máy nóng. Khi xuống tàu, chỉ cần nhìn thấy máy trên tàu và hệ thống bơm là chuyên gia Hàn Quốc “phán” luôn lỗi do không mở van thông biển khi đề máy, vì khi không có nước nhưng vẫn vận hành bơm, ma sát lớn sẽ làm biến dạng vỏ sơn bảo vệ bơm…
Ông Bùi Thanh Hải cho biết thêm: “Hiện có 4 tàu cá của ngư dân trong tỉnh đang sử dụng máy Doosan và đang trong thời gian thực hiện bảo hành. Nhiều ngư dân chưa thực hiện đúng hướng dẫn bảo dưỡng, vận hành máy. Chúng tôi sẽ chịu toàn bộ chi phí sửa chữa, thay phụ tùng máy bị hư hỏng. Trong tháng 6.2017, Công ty sẽ nhập linh kiện, phụ tùng về Việt Nam để khắc phục hư hỏng máy tàu cho ngư dân”.
Ông Chulhe Jeong - Trợ lý Tổng giám đốc phụ trách sau bán hàng khu vực châu Á của hãng Doosan yêu cầu ngư dân khi máy có sự cố, phải lập tức báo với hãng máy để lắp đặt các thiết bị phù hợp, không nên tự ý làm khi chưa có chỉ dẫn.
Đánh giá, xác định về tình trạng, nguyên nhân máy tàu bị hư hỏng và giải pháp khắc phục của DN đã bị ngư dân phản ứng gay gắt. Ông Trần Đình Sơn, ở xã Mỹ An (Phù Mỹ) chủ tàu BĐ 99245 TS, bức xúc nói: “Máy tàu tôi mua là máy đập hộp, nguyên đai nguyên kiện trị giá gần 3 tỉ đồng, nhưng mới sử dụng đi 2 chuyến biển thì cả 2 chuyến đều xảy ra sự cố máy hư hỏng, thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Máy xịn sao mới dùng mà đã gãy cốt, còn thua máy cũ chúng tôi dùng. Công ty phải thay toàn bộ máy mới, nếu không tôi trả lại máy. Công ty cũng phải cam kết thời gian hoàn thiện lắp đặt máy để chúng tôi còn vươn khơi, bám biển”.
Ngư dân Lê Văn Hát cho rằng, DN cung ứng máy tàu bảo ngư dân tự ý cải tạo, sửa chữa nhiều thiết bị trên tàu và khi muốn sửa chữa phải báo với công ty và hãng Doosan là không thỏa đáng. “Quá trình lắp đặt máy tàu, DN giám sát chặt chẽ. Hơn nữa, trong quá trình khai thác trên biển, ngư dân phát hiện một vài chi tiết, phụ tùng nhỏ, đơn giản, trị giá thấp bị lỗi hoặc bị hư hỏng có thể tự khắc phục được thì chúng tôi làm. Trường hợp máy hư hỏng, tàu cá bị thả trôi trên biển, tính mạng của ngư dân nguy kịch, lúc đó gọi báo tin, liệu các DN có cử người ra biển sửa máy móc bị hư hỏng cho ngư dân và có chịu tổn thất do máy bị hỏng. Do vậy DN không thể đổ lỗi cho ngư dân, mà phải có trách nhiệm đối với những chuyến biển mà ngư dân thua lỗ do máy tàu gặp sự cố”.
Các ngư dân cũng không đồng ý với việc thay thế phụ tùng máy và yêu cầu Công ty TNHH Ô tô Đông Hải và hãng Doosan phải thay bằng máy mới. Tuy nhiên, ông Chulhe Jeong cho rằng, DN chỉ thay thế phụ tùng máy cho ngư dân theo chính sách bảo hành toàn cầu của hãng, không có trường hợp ngoại lệ. DN không đáp ứng được yêu cầu, nên ngư dân đã đồng loạt bỏ về, cuộc đối thoại không đạt kết quả.
Yêu cầu các DN nhanh chóng khắc phục sự cố
Trước tình hình nhiều tàu cá của ngư dân bị sự cố, hư hỏng, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ và tác động xấu đến đời sống sản xuất của ngư dân, ngày 25.5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã có ý kiến bằng văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có nghĩa vụ sửa chữa tàu cá vỏ thép bị hư hỏng theo hợp đồng đã thỏa thuận với chủ tàu (phải hoàn thành trong tháng 6.2017). Đơn vị đóng tàu không được tự ý thay tôn thép vỏ tàu từ loại của Nhật Bản/Hàn Quốc sang loại của Trung Quốc mà không được sự chấp thuận của chủ tàu, đồng thời phải xem xét hoàn trả các khoản chi phí cần thiết cho chủ tàu, hỗ trợ cho chủ tàu vì tàu cá nằm bờ không ra khơi được. Nếu các đơn vị đóng tàu không thực hiện nghĩa vụ của mình, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các bên liên quan hướng dẫn chủ tàu các thủ tục pháp lý để tiến hành khởi kiện ra tòa đòi quyền lợi chính đáng.
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT cũng đi kiểm tra thực tế tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng tại tỉnh ta. Trao đổi với PV Báo Bình Định, ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Trưởng đoàn, cho biết: Qua kiểm tra chúng tôi thấy có một số tàu vỏ thép hỏng hóc máy và hư hỏng trang thiết bị trên tàu; một số khác có vỏ tàu, phần thượng tầng của tàu gỉ sét. Tôi nghĩ muốn làm rõ nguyên nhân vỏ tàu cá bị gỉ sét, máy tàu hư hỏng cần có thời gian, chỉ một nguyên nhân tàu bị gỉ sét thôi cũng đã có rất nhiều yếu tố tác động. Do vậy, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục làm việc với Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, kết hợp với phản ảnh của ngư dân và của nhà máy đóng tàu để kết luận được nguyên nhân ban đầu về tình trạng hỏng hóc, trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục sớm nhất.
PHẠM TIẾN SỸ