PGS-TS Ðỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Ðại học Quy Nhơn: Ðào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động
Xác định phát triển theo định hướng ứng dụng, Trường Ðại học Quy Nhơn đang tính toán lại cơ cấu ngành nghề và chương trình đào tạo. Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Ðỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thời gian tới, trường sẽ tập trung đầu tư một số ngành nghiên cứu mũi nhọn, đa số ngành nghề còn lại, kể cả các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ sẽ thiết kế theo hướng ứng dụng, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường lao động.
* Thưa ông, lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ Trường Đại học Quy Nhơn là trường đại học ứng dụng định hướng nghiên cứu?
- Đúng là trước đây, trong định hướng của mình, Trường Đại học Quy Nhơn ghi là “trường đại học ứng dụng định hướng nghiên cứu”. Thế nhưng, ghi như vậy là chưa rõ, và làm không ít người mơ hồ như thế nào là ứng dụng, như thế nào là nghiên cứu.
Nay, Luật Đại học và Điều lệ trường đại học đã quy định rõ thế nào là một đại học định hướng ứng dụng. Trường Đại học Quy Nhơn đang điều chỉnh kế hoạch chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 và cập nhật theo đúng những quy định này. Các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động và sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ có đầy đủ kiến thức, thái độ, kỹ năng... phù hợp với từng nhóm nghề nghiệp cụ thể.
Sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn tốt nghiệp ra trường sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc thực tế.
Được biết, tuần qua nhà trường đã tổ chức cuộc họp để rà soát lại ngành nghề và dự kiến mở một số ngành đào tạo mới… Cuộc họp đó đánh dấu sự khởi đầu cho việc tính toán lại các ngành nghề đào tạo cho phù hợp với nhu cầu xã hội, sao cho sinh viên tốt nghiệp ra trường có đủ các điều kiện nhằm đáp ứng tốt yêu cầu công việc và dễ kiếm việc làm.
Lãnh đạo trường đã lắng nghe ý kiến của các khoa và đặt ra yêu cầu phải tổ chức khảo sát nhu cầu thị trường, nhanh nhạy đón đầu, nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực, triển khai thiết kế chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Điều đáng mừng là cuộc họp này đã nhận được sự đồng thuận và mong muốn của một số khoa và trên thực tế họ cũng đã có sự chuẩn bị trước các điều kiện để mở thêm ngành đào tạo mới.
* Mở thêm ngành mới là chuyện không đơn giản, nhưng lại không thể không cập nhật liên tục các đòi hỏi của thực tế. Trường Đại học Quy Nhơn có lộ trình như thế nào để thực hiện việc này không, thưa ông?
- Chúng tôi hiện đang có 39 ngành, trong đó có 13 ngành Sư phạm - đào tạo giáo viên, 21 ngành đào tạo Cử nhân và 5 ngành đào tạo Kỹ sư. Thật ra, việc mở ngành nghề đáp ứng nhu cầu thị trường không hề đơn giản. Muốn vậy phải thường xuyên tổ chức khảo sát nhu cầu, dự báo được thị trường lao động, chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân sự, hoàn thành hồ sơ cùng một số thủ tục trình Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT…
Tuy nhiên, không vì vậy mà lại không thực hiện. Ngày 18.5 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã cho phép Trường Đại học Quy Nhơn đào tạo ngành Luật và sẽ tuyển sinh ngay trong năm 2017 này với 100 chỉ tiêu.
Theo kế hoạch, các khoa sẽ tổ chức họp hội đồng khoa mình, đề xuất ngành đào tạo có thể mở trong năm 2018 trên cơ sở dự kiến về: nhu cầu việc làm, nhân sự tham gia chủ trì ngành đào tạo, tổ soạn thảo chương trình đào tạo, các khoa phối hợp tham gia (nếu có). Các khoa gửi tờ trình đề xuất với các thông tin trên qua Phòng Đào tạo Đại học trước ngày 15.6 để Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường thống nhất chủ trương các ngành sẽ mở. Sau khi tính toán, ngành nghề nào có thể mở được liền thì làm thủ tục xin phép Bộ GD&ĐT mở ngay trong mùa tuyển sinh tới. Nếu chưa được liền thì cũng phải tính toán trong thời gian sớm nhất có thể.
Tiến tới hoạt động tự chủ, xu hướng tất yếu của giáo dục đại học Việt Nam trong những năm tới, việc thay đổi ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường là cần thiết và phù hợp với định hướng phát triển của nhà trường. Trường Đại học Quy Nhơn cam kết trong những năm tới sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện tốt sứ mạng của mình.
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)