10 hộ dân sống trong Khu tập thể Cảng Quy Nhơn: Bao giờ mới được an cư?
10 hộ gia đình ở tại khu nhà tập thể Cảng Quy Nhơn (tổ 53, KV 10, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) đang sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Lý do: nhà xuống cấp trầm trọng, có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào nhưng không được phép sửa chữa.
Nơm nớp lo nhà sập
Theo phản ảnh của các hộ, nguyên dãy nhà này là khu văn phòng cũ của Cảng Quy Nhơn (xây dựng từ trước năm 1975) cấp cho cán bộ, công nhân viên của Cảng ở. Theo Quyết định giao nhà của Cảng vào tháng 7.1992, mỗi hộ được giao 20m2; ngoài ra cho phép các hộ gia đình cơi nới thêm để đủ sinh sống. Hiện, mỗi căn nhà có diện tích hơn 50m2. Sau 26 năm sinh sống, đến nay, các căn nhà đã xuống cấp trầm trọng; tuy nhiên, các hộ không được tu sửa lại nhà bởi đây là khu vực nằm trong dự án giải tỏa và di dời để mở rộng cảng Quy Nhơn.
Phía sau nhà của ông Lê Văn Sáng xập xệ vì không được sửa sang, tu bổ.
Hiện trạng mái hiên phía ngoài các căn nhà đều bị bong tróc, xập xệ. Bên trong, tường hầu như đều bị nứt. Mái ngói bị mục, nhiều hộ gia đình phải căng bạt ni lông để che tạm hoặc dùng giấy cứng che chắn bớt. Căn nhà của ông Lê Liêm - công nhân Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã bị cho thôi việc- phần mái ngói bị dột nát hoàn toàn. Các thanh xà gồ bị mục, lung lay và có nguy cơ sụp đổ. Vợ ông Liêm bức xúc: “Sau trận bão 7 năm trước, nhà gần như hỏng toàn bộ. Phần tôn phía ngoài cũng bị bung ra, chúng tôi chỉ dám lót tạm bạt ni lông, làm đơn xin sửa chữa lại thì không được phép. Chúng tôi gửi đơn thư kêu cứu khắp nơi, cuộc họp nào cũng dự, chỉ mong có người nghe thấu mà giải quyết nhanh, nhưng nào thấy ai giải quyết”.
Quá bức xúc cảnh nhà dột, năm 2010, ông Phan Trường Sơn (công nhân Cảng Quy Nhơn nay đã thôi việc) đã tự ý sửa chữa lại. Vì lý do này mà ông Sơn bị Công ty TNHH một thành viên cảng Quy Nhơn (nay là Công ty CP Cảng Quy Nhơn) kỷ luật, cắt mọi thi đua khen thưởng.
Cần giải quyết sớm nguyện vọng của người dân
Ông Sơn trình bày: “Vì không có khả năng mua một căn nhà khác nên chúng tôi chịu cảnh sống như thế này. Tháng 12.2015, Công ty CP Cảng Quy Nhơn thông báo chúng tôi phải nộp tiền sử dụng mặt bằng là 27.000 đồng/m2/tháng, tính ra hơn 1,6 triệu đồng một năm. Tất cả gia đình ở đây đều nộp, chỉ mong có nơi cư ngụ; thế nhưng lúc nào chúng tôi cũng nơm nớp nỗi lo nhà sập xuống đầu”. Hiện tại, nền nhà nhà ông Sơn bị sụt lún, trần nhà rạn nứt, thấm dột khi trời mưa. Còn ông Lê Văn Sáng - một hộ dân trong Khu tập thể nói: “Ở đây nhà nào cũng mục nát hết rồi. Dãy nhà này đứng vững được là nhờ có sườn sắt dài của mái nhà chung, nếu không cũng đã bị sập lâu rồi”.
Theo các hộ dân, từ năm 2005, họ đã dự rất nhiều cuộc họp của Cảng Quy Nhơn và các cấp chính quyền để kiến nghị việc di dời, bố trí tái định cư nhưng không có kết quả. Thậm chí, họ đã trực tiếp đến hỏi Công ty CP Cảng Quy Nhơn, thì được Công ty trả lời việc này do UBND TP Quy Nhơn giải quyết; sang UBND TP Quy Nhơn lại được trả lời: Đây là đất của Cảng Quy Nhơn nên thành phố không có thẩm quyền giải quyết.
Ông Lê Liêm cho biết thêm: Ngày 5.11.2016, Khu vực trưởng thông báo công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về kiến nghị của chúng tôi là: Giao cho Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND TP Quy Nhơn, Công ty CP Cảng Quy Nhơn và các đơn vị liên quan rà soát hồ sơ, thủ tục để thực hiện chính sách tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống tại Khu tập thể Cảng Quy Nhơn để giải phóng mặt bằng mở rộng cảng Quy Nhơn. Báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 20.11.2016. Vậy mà, cho đến nay, tất cả đều vẫn rơi vào im lặng. Chúng tôi tha thiết được có chỗ ở ổn định để an tâm công tác, học hành, chấm dứt tình trạng quy hoạch treo này”.
Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ với Sở TN-MT, lãnh đạo Công ty CP Cảng Quy Nhơn, song chưa nhận được thông tin phản hồi. Thiết nghĩ, để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho các hộ dân cũng như giải quyết yêu cầu chính đáng về chỗ ở, Công ty CP Cảng Quy Nhơn và các cấp, ngành liên quan cần sớm đưa ra phương án giải quyết sớm nhất. Đừng để xảy ra thiệt hại mới tìm cách khắc phục.
KIM CHI
Việc sử dụng tuyến đường sắt Duy Trì - Quy Nhơn từ lâu đã không mang lại hiệu quả, tuyến đường sắt lại cắt ngang nhiều đoạn đường bộ, thâm chí đi xuyên qua khu dân cư rất nguy hiểm. Bên cạnh đó tuyến đường sắt này làm cản trở nước lưu thông vào mùa mưa gây ngập úng ở một số nơi thuộc phường Nhơn Bình và Nhơn Phú. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu giải pháp dỡ bỏ.