Chỉ thanh tra doanh nghiệp 1 lần trong năm: Cần giám sát chặt chẽ
Để chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được thực thi hiệu quả, cần triển khai nghiêm túc ở các cấp chính quyền cơ sở, bộ ngành và được giám sát chặt chẽ.
Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp được ban hành ngay sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017. Các doanh nghiệp kỳ vọng đây sẽ là tín hiệu tốt hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên để chỉ thị này đi vào thực tế và hiệu quả thì cần triển khai nghiêm túc từ các cấp chính quyền cơ sở, bộ ngành và được giám sát chặt chẽ.
Ngăn thanh tra, kiểm tra chồng chéo
Chỉ thị 20 của Thủ tướng được ban hành trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang phải chịu áp lực lớn từ chi phí “lót tay” cũng như tần suất thanh tra, kiểm tra hàng năm. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, tình trạng kiểm tra chồng chéo giữa các cấp, các đơn vị liên ngành khiến doanh nghiệp vô cùng bức xúc.
Nhiều doanh nghiệp bức xúc vì việc thanh, kiểm tra trùng lặp, chồng chéo trong thời gian qua. (Ảnh minh họa: KT)
Bà Trần Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp hiện đang cung cấp thực phẩm sạch cho các trường học, bếp ăn ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Mỗi năm, đoàn thanh tra liên ngành thành phố về kiểm tra định kỳ 2 lần. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn phải tiếp thêm đoàn thanh tra của quận, thậm chí thanh tra của phòng giáo dục.
Bởi vậy, khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 20, bà Hằng cũng như nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là việc làm cần thiết để giảm phiền hà, nhũng nhiễu và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng vẫn băn khoăn về tính khả thi.
“Thủ tướng có yêu cầu kiểm tra doanh nghiệp 1 lần trong năm là khó khả thi, vì thực tế ở doanh nghiệp, nhiều khi quận đã kiểm tra, thành phố cũng vẫn muốn kiểm tra. Nếu Thủ tướng đã có chỉ thị kiểm tra 1 năm/lần thì khi có đoàn cấp thành phố kiểm tra rồi, quận không cần kiểm tra nữa. Bên cạnh đó, cần có dữ liệu thống kê lưu trữ để truy xuất, đánh giá doanh nghiệp, tránh phải kiểm tra nhiều lần”, bà Hằng nêu ý kiến.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong năm qua cho thấy, có doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 6 - 7 lần trong năm. Với các doanh nghiệp bị kiểm tra từ 2 lần trở lên, 50% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết là chồng chéo, các cơ quan không công nhận kết quả của nhau, dẫn đến kiểm tra trùng lắp tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
Chỉ thị 20 của Thủ tướng đã quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cấp, ngành; trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trong việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp ngay từ đầu năm. Theo đó, sẽ phải tổng hợp đề xuất thanh tra, kiểm tra của các ngành và tổ chức 1 đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc kiểm toán doanh nghiệp 1 lần trong năm.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội cho rằng, Chỉ thị này được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng thanh kiểm tra chồng chéo, bất hợp lý của các đơn vị liên ngành. Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả, còn không ít thách thức.
“Để thực thi Chỉ thị này, quan trọng là cấp cơ sở, các bộ ngành và địa phương phải hết sức quyết liệt và một phần nữa phải có sự giám sát, vào cuộc của các doanh nghiệp bởi doanh nghiệp vừa là người thực thi các cuộc thanh tra nhưng cũng là người giám sát và phản hồi kịp thời nếu bị thanh tra quá nhiều lần trong năm”, ông Anh lưu ý.
Tránh ban hành chỉ thị để…rơi vào quên lãng
Chia sẻ thêm về những thách thức khi triển khai thực hiện Chỉ thị 20, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Phòng pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, ngay cả các quy định pháp luật hiện tại cũng đang không theo tinh thần Chỉ thị 20.
Chẳng hạn như Nghị định hướng dẫn Luật Phòng cháy chữa cháy quy định, cảnh sát phòng cháy chữa cháy có quyền vào doanh nghiệp có nguy cơ cao về cháy nổ tối thiểu 1 quý 1 lần, tức là tối thiểu 4 lần 1 năm. Do đó, cần rà soát về quy định pháp luật về thanh tra kiểm tra hiện tại và cần thay đổi một cách nhất quán.
Điểm thứ hai là phải khắc phục được sự bất cập trong phối hợp giữa các cơ quan, tránh tình trạng không công nhận kết quả của nhau. Đặc biệt là phải có sự giám sát chặt chẽ.
“Để thực hiện nghiêm chỉ thị 20 cần phải có sự hợp tác chặt chẽ. Đối với hoạt động thanh tra thường xuyên phải có cơ đầu mối tập hợp tất cả nhu cầu thanh tra kiểm tra của các cơ quan nhà nước và tiến hành thanh tra định kỳ doanh nghiệp. Thời gian tới, ngay cả Chính phủ cũng phải có biện pháp giám sát, thậm chí có thể xử lý kỷ luật những tình trạng lạm dụng thanh tra kiểm tra để thực hiện nghiêm Chỉ thị 20. Các cơ quan cấp tỉnh cũng giám sát hệ thống của mình và tổ chức tổng kết đánh giá tránh tình trạng ban hành ra rồi rơi vào quên lãng”, ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ.
Việc ban hành Chỉ thị 20 cho thấy phản ứng nhanh, quyết liệt của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nhất quyết chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần. Với những doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm thì vẫn có thể bị thanh tra nhiều lần, nhưng phải đảm bảo xác định được dấu hiệu hoặc thu thập được chứng cứ vi phạm.
Đại diện VCCI cũng khuyến cáo, tư duy quản lý nhà nước thời gian tới cũng cần thay đổi theo hướng kiểm soát rủi ro như các nước trên thế giới đang áp dụng. Vì Việt Nam hiện có khoảng 600.000 doanh nghiệp, sắp tới mục tiêu lên 1 triệu doanh nghiệp, chưa kể hàng triệu hộ kinh doanh, nên không có bộ máy nhà nước nào có thể phình to thêm, rồi tổ chức đoàn kiểm tra đến tận doanh nghiệp, mà cần có kết nối hệ thống thông tin, xây dựng tiêu chí rủi ro để quản lý công khai, minh bạch và giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp./.
Theo Việt Hà (VOV-Trung tâm Tin)