Khởi tố vụ án liên quan đến 7 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại Hòa Bình
Trưa 30.5, liên quan đến vụ 7 người tử vong do sốc phản vệ trong khi chạy thận tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Trung tướng Trần Văn Vệ - Quyền Tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công an, cho biết: Công an tỉnh Hòa Bình đã quyết định khởi tố vụ án để làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Bệnh nhân gặp sự cố được chuyển tới BV Bạch Mai cấp cứu ngay trong đêm 29.5.
Theo đó, CQĐT khởi tố vụ án theo Điều 242 về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Trước đó, tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Hòa Bình về vụ việc, ông Phạm Văn Sử - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo, cơ quan công an xác định, đây là sự cố y khoa nghiêm trọng. Công an đã trao đổi, làm việc với lãnh đạo BV, Sở Y tế để làm sao đảm bảo an ninh trật tự. Ngoài ra, cơ quan công an đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra theo quy định của pháp luật; đồng thời báo cáo Bộ Công an.
Theo vị Phó Giám đốc này, ngay trong đêm 29.5, công an đã tập trung khám nghiệm tử thi với 7 trường hợp tử vong (6 trường hợp tại nhà xác, 1 trường hợp tại gia đình), sau đó bàn giao cho gia đình đưa thi hài về quê an táng. Đến nay, tình hình an ninh trật tự vẫn ổn định.
Trước đó, sáng 29.5, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, khi đang chạy thận cho 18 bệnh nhân bị suy thận phải lọc máu chu kỳ, đã xảy ra sốc phản vệ tập thể, đến thời điểm này có 7 người đã tử vong.
Sau vụ việc, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã nhận trách nhiệm với sự việc xảy ra. Cũng liên quan đến vụ việc, ngay trong ngày 29.5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, trực tiếp nghe lãnh đạo tỉnh, đoàn Bộ Y tế và lãnh đạo Bệnh viện tỉnh Hòa Bình báo cáo; nghe Giám đốc Công an tỉnh báo cáo về công tác đảm bảo an ninh trật tự và quá trình điều tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc để có chỉ đạo trực tiếp.
Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ 7 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Theo CAO NGUYÊN - THÙY LINH/ Lao Động