Tìm “thuốc chữa bệnh” thất thu thuế ngoài quốc doanh
Năm 2017, chống thất thu thuế công thương nghiệp - ngoài quốc doanh (CTN-NQD) được ngành Thuế tỉnh xác định là trọng điểm để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách. Trong khi đó, ngày 15.5.2017, UBND tỉnh ra chỉ thị siết chặt quản lý thuế lĩnh vực này.
Nhân viên Chi cục Thuế TP Quy Nhơn thực hiện quản lý, giám sát kê khai thuế của các DN và cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú qua phần mềm.
Khoản thu từ CTN-NQD chiếm khoảng 50% tổng dự toán toàn ngành Thuế tỉnh. Tuy nhiên, vài năm gần đây, số thu toàn ngành cả năm luôn luôn vượt, nhưng chưa năm nào Bình Định “chạm đích” khoản thuế CTN-NQD. Có thể điểm lại, năm 2015, thu ngân sách của toàn ngành đạt 4.556,2 tỉ đồng, tăng 36,9% dự toán Bộ Tài chính giao và tăng 19,9% dự toán UBND tỉnh giao; riêng thuế CTN-NQD chỉ đạt 74,6% dự toán UBND tỉnh giao. Năm 2016 thu ngân sách 5.858,7 tỉ đồng, tăng 32,9% dự toán Bộ Tài chính giao và tăng 32,6% dự toán UBND tỉnh giao; riêng thuế CTN-NQD mới đạt 82,9%. Năm 2017, số thuế CTN-NQD toàn tỉnh được giao 1.783/4.474 tỉ đồng, trừ đất tương đương 40%; tính đến 26.5.2017 thu đạt 34,3%, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều “kẽ hở”
Ông Phạm Ngọc Hải, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho hay: “Trong khi chính sách thuế ngày càng thông thoáng thì doanh nghiệp (DN) lại lợi dụng những “kẽ hở” đó để làm giảm số thuế thực tế, dẫn đến thất thu ngân sách”.
Thông qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan Thuế đã nhận diện các hành vi vi phạm. Những lĩnh vực thất thu thuế tập trung, như: xăng dầu; xây dựng cơ bản; khai thác tài nguyên- khoáng sản; kinh doanh phương tiện vận tải tư nhân, kinh doanh vật liệu xây dựng; xe máy; khách sạn, nhà hàng ăn uống...
Luật Thuế giá trị gia tăng với hai dạng nộp thuế cơ bản là nộp thuế khoán và nộp theo sổ sách. Thuế khoán là thuế tự khai, không dựa trên cơ sở hạch toán kế toán thống kê, hóa đơn chứng từ khi giao dịch. Trong khi chính sách tạo thông thoáng cho hoạt động của các cơ sở kinh doanh và DN thì đây cũng chính là kẽ hở trong công tác thu thuế khiến thất thu thuế.
Ông Hải dẫn chứng đợt kiểm tra chống thất thu ngân sách đối với DN ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh thương mại, ăn uống, dịch vụ, vận tải diễn ra cuối năm 2016 tại 67 DN đã tăng thu 458 triệu đồng và truy thu 1,5 tỉ đồng; kiểm tra 75 hộ kinh doanh đã tăng doanh thu khoán từ 50% trở lên 12 hộ kinh doanh với số tiền 137 triệu đồng và 53 hộ kinh doanh tăng dưới 50% với số tiền 530 triệu đồng. Ngoài ra, đã tuyên truyền vận động 30 DN kinh doanh ăn uống tự giác kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm tăng thêm hơn 800 triệu đồng, tương đương với tỉ lệ thuế giá trị gia tăng trên tổng doanh thu của cơ sở kinh doanh là 3%.
Tìm “thuốc chữa bệnh”
Trước thực trạng này, chống thất thu thuế là giải pháp được nhiều địa phương xác định trọng tâm, trọng điểm để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, bên cạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy hoạt động sản xuất, tăng thu từ khu vực ngoài quốc doanh.
Tháng 1.2017, Cục Thuế tỉnh ra yêu cầu đối với các đơn vị trực thuộc và phòng chuyên môn thực hiện kế hoạch chống thất thu ngân sách năm 2017. “Trong năm 2017, ngành Thuế tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế. Không chỉ những “điểm nóng”, nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc với nhiều giải pháp chống thất thu thuế CTN-NQD” - ông Phạm Ngọc Hải cho biết.
TP Quy Nhơn là địa phương đứng ngay liền kề về áp lực số thu khoản thuế CTN-NQD. Đây cũng là địa phương luôn nằm trong tốp dẫn đầu về “hụt thu” thuế CTN-NQD. Năm 2016, khi thành phố bắt tay triển khai đề án tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước, 6 lĩnh vực được đưa vào “tầm ngắm” là sản xuất kinh doanh, vận tải, ăn uống, tài nguyên, dịch vụ và xây dựng. Kết quả, tỉ lệ tăng thu chung chỉ đạt con số khiêm tốn 107%, nhưng đi vào cụ thể có sự chênh lệch đáng kể - khoản thu kinh doanh ăn uống tăng 285%, kinh doanh dịch vụ tăng 147%.
Tháng 4.2017, Quy Nhơn tiếp tục thêm một bước khi triển khai cho các cơ sở lưu trú thực hiện khai báo khách trên internet, thông qua ứng dụng phần mềm quản lý khách sạn với quản lý thông tin như: đặt phòng, trả phòng, thay đổi thông tin, báo cáo thuế, quản lý người sử dụng của đơn vị... Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Quy Nhơn nhận định: “Việc đưa vào ứng dụng phần mềm, về cơ bản chúng tôi quản lý được lượng khách đến - đi, hiệu suất sử dụng phòng lưu trú của các cơ sở, để tính sát số thuế của từng cơ sở phải nộp”.
Với huyện Tây Sơn, cuối tháng 5.2017, lãnh đạo UBND huyện đã chủ trì hội nghị bàn các giải pháp chống thất thu thuế các lĩnh vực hoạt động khai thác tài nguyên - khoáng sản; vận tải tư nhân; bán hàng không xuất hóa đơn ở các cơ sở kinh doanh… Ông Võ Bùi Viện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Tây Sơn cho hay, UBND huyện đã thống nhất một số kiến nghị do ngành Thuế đề ra và chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, hỗ trợ cơ quan Thuế trong công tác quản lý thu thuế CTN-NQD. Trước mắt, huyện sẽ thành lập 2 đoàn liên ngành trên lĩnh vực khai thác tài nguyên - khoáng sản và kiểm tra hàng tồn kho đơn vị kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị quyết liệt chống thất thu
Chỉ thị số 08/CT-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng ban hành ngày 15.5.2017 về việc tăng cường công tác quản lý thu thuế CTN-NQD trên địa bàn tỉnh là cần thiết, tạo sự đồng bộ và quyết liệt, đưa công tác quản lý thuế CTN-NQD dần đi vào quỹ đạo. Trong đó, Cục Thuế tỉnh chỉ đạo chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với các phòng, ban chức năng liên quan thuộc cấp huyện để xây dựng và cụ thể hóa đề án tăng cường các biện pháp quản lý thu thuế CTN-NQD theo từng lĩnh vực phù hợp.
Riêng với các ngành, Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp các cơ quan thuế cấp huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định điều kiện kinh doanh đối với DN có rủi ro cao gian lận thương mại về thuế và DN kinh doanh vãng lai bán hàng trong tỉnh. Liên quan đến thất thu trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, ăn uống, Sở Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành quản lý, nắm chắc số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp cơ quan thuế quản lý, thu thuế đối với loại hình kinh doanh này. Với vận tải, Sở GT-VT chỉ đạo các đơn vị, bộ phận trực thuộc phối hợp cơ quan thuế quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh bằng phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh...
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng có liên quan phối hợp với chi cục thuế thực hiện tốt công tác quản lý thu thuế trong từng lĩnh vực: kinh doanh vận tải, khoáng sản, khách sạn, cho thuê nhà ở nhà nghỉ, xe máy, xây dựng cơ bản...
“Với chỉ thị này, thể hiện sự quyết liệt của tỉnh trong chống thất thu thuế CTN-NQD. Thông qua sự phối hợp đồng bộ của các ngành, địa phương, về lâu dài sẽ khống chế và kiểm soát cơ bản đối tượng, nội dung kê khai và kiểm soát được mức thuế đóng của người nộp thuế trong lĩnh vực CTN-NQD”- ông Phạm Ngọc Hải nhấn mạnh.
THU HIỀN