Cơ quan làm sai không thể 'mặc cả' với người bị oan
Đây là ý kiến của đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) và nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường về Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước sửa đổi, sáng 31.5.
Người bị oan không cần phải làm đơn mới được… xin lỗi
Nói về cách giải quyết bồi thường thiệt hại của cơ quan gây oan sai với người bị oan hiện nay, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) nhìn nhận phải xác định rõ gây thiệt hại đến đâu phải bồi thường đến đó. Không đem việc thực hiện bồi thường ra để giảm trách nhiệm bồi thường của người làm oan và cơ quan làm oan cho người dân bị oan.
“Thời gian qua, nhìn cách thương lượng bồi thường thiệt hại của cơ quan Nhà nước với người bị oan sai tạo cảm giác cơ quan Nhà nước cứ cò kè bớt một thêm hai với người bị oan vì những sai lầm của cơ quan tố tụng”, đại biểu Sang đánh giá.
Đề cập đến nội dung của dự thảo luật là người bị oan cần có đơn mới được cơ quan Nhà nước tiến hành xin lỗi công khai, phục hồi danh dự cho mình, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (tỉnh Bắc tiến phân tích quá trình tổ chức công khai xin lỗi cho người bị oan là vô cùng cần thiết nhưng dự thảo quy định chỉ khi nào người bị oan có đơn yêu cầu thì cơ quan Nhà nước mới tổ chức công khai xin lỗi, phục hồi danh dự cho họ. Điều này cần cân nhắc và chưa hợp lý.
Theo đại biểu Thủy, việc dự thảo Luật trích dẫn Điều 34 của Bộ luật Dân sự cho luật này là chưa hợp lý vì phải xác định đây là trách nhiệm của cơ quan làm oan, hậu quả gây ra là rất lớn đối với cá nhân bởi họ bị khởi tố, bị khám người, bị còng tay, bị dẫn đi trước mặt xóm giềng, vợ con, đồng nghiệp và sau này xác định oan lại phải có đơn yêu cầu thì cơ quan Nhà nước mới tổ chức công khai xin lỗi, phục hồi danh dự và bồi thường thiệt hại. Theo đó, cơ quan làm oan phải tổ chức công khai xin lỗi và phục hồi danh dự cho người bị oan, trừ trường hợp người bị oan yêu cầu không tổ chức xin lỗi công khai.
“Một nền tư pháp có trách nhiệm là nền tư pháp không để người nào gây oan mà đứng ngoài, không dồn trách nhiệm cho người phê duyệt cuối cùng mà phải cùng chịu trách nhiệm liên đới bồi hoàn cho Nhà nước khi gây oan sai cho người dân, bởi tố tụng hình sự là một quá trình liên tục, chặt chẽ giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử”, đại biểu Thủy phân tích.
Tán thành quan điểm của đại biểu Thủy, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) cho rằng không cần đợi có đơn của người bị oan thì Nhà nước mới tổ chức công khai xin lỗi, phục hồi danh dự cho người bị oan. Bên cạnh đó, không phải người dân nào cũng hiểu được quyền của mình, nhất là vùng sâu, vùng xa, dân trí thấp. Vì thế, chúng ta phải công bằng với dân trong chuyện này bởi khi bắt họ thì áp chế, khi thấy sai thì lặng lẽ. “Chúng ta đang xây dựng Nhà nước văn minh, đã văn minh phải lịch sự. Vì vậy đã làm oan sai phải chủ động xin lỗi chứ không buộc người dân làm đơn mới… xin lỗi”, đại biểu Nhưỡng thẳng thắn.
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (TP. Hà Nội) đề nghị dự thảo luật cần quy định trình tự, thủ tục cụ thể mà cơ quan nhà nước phải làm trong quá trình xin lỗi, cải chính công khai, phục hồi danh dự cho người bị oan trên tinh thần người làm sai và cơ quan làm sai phải thực sự cầu thị chứ không thể qua loa, chiếu lệ như dư luận phản ánh vừa qua.
Công lý không có quyền đi tắt
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc bồi thường tiền mà người bị oan đi thuê luật sư là cần thiết và phải được quy định trong dự thảo luật. “Công lý không có quyền đi tắt mà cần đúng trình tự và bảo đảm quyền lợi cho người dân. Người dân luôn cần có luật sư khi đứng trước các cơ quan tố tụng buộc tội mình, muốn vậy phải thuê. Do đó, việc bồi thường cả số tiền người dân thuê luật sư là đúng”, đại biểu Nhưỡng nói.
Đại biểu Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng việc xin lỗi phải xác định trách nhiệm của từng cơ quan. Một người bị oan trong tố tụng hình sự là đặc biệt nghiêm trọng bởi khi bị oan là một quá trình khi ra bản án gây oan sai thì đây là cả một quá trình điều tra, truy tố, xét xử để gây oan cho người dân.
Người gây oan sai phải cùng với cơ quan gây oan sai đứng ra xin lỗi người bị oan chứ lại cử một người không gây oan đứng ra xin lỗi thì người dân sẽ không đồng tình.
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ quan điểm không đồng tình với quan điểm Viện Kiểm sát đứng ra bồi thường cho cơ quan tố tụng khác. Tuy nhiên, ông cho rằng Cơ quan nào gây oan sai sau cùng thì phải bồi thường. Đại biểu phân tích, chỉ cần xác định rõ hai nhóm quan hệ trong việc này là cơ quan phê chuẩn sai và cơ quan kết án sai thì sẽ tìm ra cơ quan gây oan sai. Theo đó, Viện Kiểm sát phê chuẩn đề nghị của cơ quan điều tra thì nếu gây oan Viện Kiểm sát phải bồi thường. Tòa án kết án gây oan trên cơ sở truy tố của Viện Kiểm sát thì Tòa án phải bồi thường.
“Vì lẽ đó, tôi cho rằng, dự thảo luật quy định cơ quan điều tra phải bồi thường là thừa vì cơ quan điều tra chỉ đề nghị, phê chuẩn hay không là quyền của Viện kiểm sát”, đại biểu Cầu nói.
Tranh luận lại vấn đề này với Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Dương Ngọc Hải (TPHCM), thống nhất với quan điểm cơ quan nào gây oan sai sau cùng thì phải bồi thường nhưng không tán thành việc trong giai đoạn điều tra cơ quan điều tra gây oan sai mà Viện Kiểm sát vẫn phải bồi thường. Ông Hải phân tích, nếu cơ quan điều tra chuyển kiến nghị phê chuẩn hoặc kết luận điều tra sang Viện Kiểm sát mà Viện Kiểm sát không phê chuẩn hoặc đình chỉ điều tra vụ án thì khi xác định oan sai, cơ quan điều tra phải bồi thường. Trường hợp Viện Kiểm sát phê chuẩn gây oan sai thì Viện Kiểm sát phải bồi thường.
Theo Lê Sơn (Chinhphu.vn)