Tăng cường kiểm tra, xử lý xe máy độ chế
Tình trạng thanh thiếu niên sử dụng xe máy độ chế, độ pô gây tiếng ồn lớn, chạy xe tốc độ cao, nẹt pô trên đường, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông (ANTT, ATGT) trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng.
Để có thể chở được hàng hóa nặng, vượt qua những con dốc cao, xe máy được nâng cấp động cơ để tăng “sức mạnh”.
- Trong ảnh: Những chiếc xe máy được người dân xã An Vinh (An Lão) độ chế để đi rừng.
Theo trung tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC 67), Công an tỉnh, việc sử dụng xe độ chế, pô không bộ phận giảm thanh hoặc có nhưng không đảm bảo về quy định tiếng ồn, không những là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông mà còn ảnh hưởng đến văn minh đô thị. Đặc biệt, hành vi sử dụng pô không bộ phận giảm thanh vào đêm khuya làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người dân và gây mất trật tự.
Theo trung tá Ngô Thanh Bình, Ðội trưởng CSGT, trật tự và cơ động Công an huyện Phù Cát, từ đầu năm 2017 đến nay, Ðội CSGT đã phát hiện và tạm giữ hơn 20 xe gắn máy đã thay đổi kết cấu, màu sơn, đèn, còi không phù hợp, phạt hơn 15 triệu đồng.
Loại xe này luôn tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT cao. Từ đầu năm 2016 đến nay, Phòng CSGT phát hiện, tạm giữ 143 xe máy độ chế, xử phạt gần 200 triệu đồng với các lỗi: độ pô, hoặc thay mới một số bộ phận kỹ thuật, đôn nòng; buộc người vi phạm phải tháo bỏ bộ phận, thiết bị độ chế.
Anh Nguyễn Minh Thanh, một thợ sửa xe máy ở thôn Quảng Tín, xã Phước Lộc (Tuy Phước), cho biết: Hầu hết các xe độ chế đều được thay mới một số bộ phận kỹ thuật, đôn nòng nên chạy với vận tốc rất cao. Vận tốc tối đa của xe máy bình thường khoảng 90km/h, nhưng sau khi được “độ” có thể lên đến 120-140km/h. Thanh niên thích chơi ngông tìm mua xe độ chế như một món “đồ chơi”.
Thiếu tá Lê Thanh Tùng, Phó đội trưởng Đội CSGT - Trật tự cơ động, Công an TX An Nhơn, cho hay: Người điều khiển loại xe này thường chạy vào ban đêm gây mất ANTT, ATGT. Việc xử lý họ cũng gặp không ít khó khăn, bởi khi thấy CSGT, họ thường chạy rất nhanh để “trốn”; nếu truy đuổi gắt, họ có thể tự gây ra tai nạn hoặc gây tai nạn cho người khác. Do đó, CSGT phải dùng đến biện pháp nghiệp vụ như ghi lại số xe, nhận dạng kẻ vi phạm… để xử lý. Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính như hiện nay vẫn còn quá thấp, ít mang tính răn đe.
Theo trung tá Ngô Đức Hoài, để ngăn chặn tình trạng này, thời gian tới, Phòng CSGT sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch “Kiểm tra, xử lý ô tô, mô tô, xe gắn máy không đảm bảo điều kiện lưu hành trên địa bàn tỉnh năm 2017” và kế hoạch “Tăng cường lực lượng phối hợp với công an cấp huyện tuần tra kiểm soát, xử lý xe không đảm bảo điều kiện lưu hành”. Trong đó, sẽ tập trung siết chặt công tác quản lý phương tiện; kiên quyết xử lý hành vi vi phạm về thay đổi kết cấu xe. Phòng CSGT phối hợp với Công an các huyện phối hợp đồng bộ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nguy cơ tiềm ẩn TNGT từ xe máy độ chế; tuần tra kiểm soát tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kiên quyết tịch thu xe tự chế tham gia giao thông; rà soát lên danh sách các cửa hàng buôn bán phụ tùng xe, các tiệm sửa xe có biểu hiện “độ” xe, cho viết cam kết không tiếp tay hoặc “độ” xe; nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo quy định.
TRỌNG LỢI