Phòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT ở cơ sở:
Cần gắn với trách nhiệm của người đứng đầu
Ðây là nhận định chung của các đại biểu tại Hội nghị đánh giá công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở, do Tỉnh ủy tổ chức vào sáng ngày 8.8 với sự tham gia của Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm tỉnh, lãnh đạo đảng, chính quyền, CA các địa phương trong tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện chủ trì Hội nghị.
Bất ổn an ninh nông thôn
Theo báo cáo của CA tỉnh, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 2.212 vụ vi phạm pháp luật về ANTT ở cơ sở, trong đó số vụ phạm pháp hình sự giảm 212 vụ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đáng chú ý, số vụ xảy ra tại địa bàn nông thôn chiếm đến 80,1% tổng số vụ. Một số loại tội phạm tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, gây bức xúc dư luận như: giết người, trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản, nhất là tình trạng cố ý gây thương tích trong các băng nhóm thanh thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự ở địa bàn nông thôn. Ngoài ra, hàng năm, chiếm đa số trong hàng ngàn vụ vi phạm pháp luật trên lĩnh vực ANTT nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ yếu là các vụ việc đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, cũng xảy ra ở địa bàn này. Tại hội nghị, ông Ngô Đông Hải, Bí thư Thị ủy An Nhơn, phân tích thêm: “Quá trình đô thị hóa đã làm cho các mối quan hệ xã hội, dân sự phức tạp, tình làng nghĩa xóm, mối quan hệ gia đình cũng bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân, tranh chấp cục bộ, nhất là trong lĩnh vực đất đai…”.
Hội nghị đánh giá công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở có sự tham dự của các thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm tỉnh và lãnh đạo đảng, chính quyền, CA các địa phương trong tỉnh. Ảnh: T.H
Thời gian qua, lực lượng CA các cấp đã điều tra làm rõ 1.765/2.212 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỉ lệ gần 80%, riêng án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tỉ lệ điều tra phá án đạt trên 96%; triệt phá được 299 băng nhóm tội phạm; bắt, xử lý 1.697 đối tượng; xử lý hành chính 6.462 vụ vi phạm pháp luật về ANTT… Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư… về công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, góp phần ổn định tình hình ANTT ở cơ sở; phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Gắn với trách nhiệm của người đứng đầu
Với vai trò điều hành hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc, Trưởng ban Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm tỉnh, cho rằng an ninh nông thôn đang diễn biến phức tạp, không chỉ bởi nạn trộm cắp, cướp giật, đánh nhau mà còn cả khiếu kiện đông người. “Vì vậy, các địa phương cần tập trung thảo luận nguyên nhân dẫn đến tình trạng, làm rõ vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương để từ đó tìm ra giải pháp…”- ông Lộc đề nghị.
Theo ông Trần Văn Thọ, Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ, thì: “Lực lượng nòng cốt ở cơ sở là các hội, đoàn thể, nhưng số lượng thì đông mà chất lượng không đảm bảo, nhất là khi có các vụ việc xảy ra. Tôi đề nghị cần phải tập trung xây dựng lực lượng này cho tốt ở cơ sở, không cần nhiều nhưng phải hoạt động hiệu quả, giải quyết được các vụ việc nảy sinh…”.
Thượng tá Lâm Cự Hiếu, Phó Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, CA tỉnh, cũng cho rằng, việc triển khai các chủ trương, đường lối chính sách về phòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT cơ sở phần lớn mới dừng ở các thông tư, kế hoạch và chưa có nhiều hành động cụ thể, thiết thực để phòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT. “Mô hình dòng họ khuyến học, không vi phạm pháp luật ở một số địa phương rất hiệu quả nhưng còn ít. Sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng ngừa xã hội chưa nhiều, vì cho đó là trách nhiệm của CA. Có địa phương làm tốt phong trào quần chúng, nhưng cũng có nơi thờ ơ, thậm chí không hợp tác với CA vì sợ bị trả thù”- ông nói.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện đã yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW, Nghị quyết 09/CP, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015; nâng cao vai trò của nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh tham gia phong trào phòng chống tội phạm, phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm”, cảm hóa giáo dục người phạm tội…
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Địa bàn nào để xảy ra tội phạm, vi phạm pháp luật nhiều, nghiêm trọng thì người phụ trách địa bàn đó phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy đảng cấp đó và cấp trên, và đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trưởng CA địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể chính trị - xã hội tích cực phối hợp với lực lượng CA, lực lượng chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa tội phạm, nhất là đối với số thanh thiếu niên thường xuyên vi phạm pháp luật và phạm tội. Mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tuyên truyền và vận động gia đình, nhân dân thực hiện pháp luật trên lĩnh vực này. Cán bộ, đảng viên có vợ hoặc chồng, con bị xử lý hình sự thì tùy theo mức độ liên đới phải xem xét khi đề bạt, bổ nhiệm, ứng cử vào các chức vụ lãnh đạo...”.
THU HÀ