Chính sách an ninh quốc gia mới của Philippines
Bất chấp việc Tổng thống Rodrigo Duterte đang tìm cách xích lại gần hơn với Trung Quốc, Chính sách an ninh quốc gia mới của Philippines vẫn coi tranh chấp biển là vấn đề ưu tiên giải quyết hàng đầu.
Tổng thống Philippin Rodrigo Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2016.
Cũng giống như Chính sách an ninh quốc gia (NSP) trước đó, NSP của Philippines giai đoạn 2017-2022 đánh giá an ninh quốc gia là một khái niệm rộng, chứ không hạn chế trong việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, song cũng bao gồm những khía cạnh khác, như kết nối văn hóa, sự đồng nhất về đạo đức và tinh thần. NSP mới cũng thể hiện mong muốn của chính phủ hiện tại khi đặc biệt chú trọng tới cuộc chiến chống ma túy và tội phạm.
Tuy nhiên, ngoài những thách thức an ninh nội địa, bao gồm các cuộc xung đột vũ trang trong nước, NSP mới cũng đề cập tới môi trường chiến lược của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như cách đối phó với những thách thức an ninh bên ngoài.
Theo đó, NSP coi Mỹ là một "lực lượng ổn định" ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh rằng "sự trỗi dậy của Trung Quốc" đang tạo ra mối quan ngại không chỉ cho các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, mà còn đối với các nước ASEAN.
NSP cũng chỉ ra rằng, sự leo thang căng thẳng ở Biển Hoa Đông là động cơ để Nhật Bản tăng cường năng lực phòng vệ.
Bất chấp những nỗ lực gần gũi Trung Quốc gần đây của Tổng thống Duterte, NSP nhấn mạnh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vẫn là thách thức an ninh lớn nhất đối với toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Philippines. Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không chỉ là mối đe dọa đối với Philippines mà còn đối với hòa bình và ổn định khu vực.
NSP xác định 3 chính sách lớn cần giải quyết đối với những thách thức an ninh bên ngoài của Philippines. Đầu tiên là phát triển khả năng phòng vệ thông qua Chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Philippines (AFPMP) cũng như khai thác thỏa thuận an ninh với các nước khác. Bên cạnh việc đảm bảo duy trì AFPMP, chính quyền Tổng thống Duterte cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi thỏa thuận an ninh với các nước khác. Nêu rõ Washington vẫn là đồng minh quân sự duy nhất của Manila, NSP còn chú trọng tới tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Philippines-Nhật.
Thứ nhì, Manila sẽ ủng hộ những nỗ lực nhằm thúc đẩy thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hague về Biển Đông. Song song đó, Philippines kêu gọi thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ủng hộ đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ngoài ra, NSP nhấn mạnh tới sự cần thiết gắn kết các nước tham gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trên con đường hướng tới việc giải quyết tranh chấp.
Thứ ba, Philippines sẽ tiếp tục theo đuổi đàm phán phân định đường biên giới trên biển với các quốc gia láng giềng và hành lang luật về đường thông thương qua các quần đảo cũng như các vùng biển.
Hồng Hà (Theo Diplomat)