Vĩnh Thạnh: Sẽ mở lớp chỉnh sửa cồng chiêng
Trong nhóm nhạc khí truyền thống của người Bana Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh, cồng chiêng giữ vị thế đặc biệt. Tuy vậy, cùng với việc giảm về số lượng, các bộ cồng chiêng ở đây còn đang bị hư hỏng.
Các hoạt động lễ hội của người Bana Kriêm có được sự rộn ràng và “linh hồn” là nhờ yếu tố quan trọng từ những âm thanh cồng chiêng vang vọng núi rừng. Với người Bana Kriêm, trình diễn cồng chiêng không đơn thuần là âm nhạc, là sinh hoạt cộng đồng mà còn là phương thức kết nối với trời đất, thần linh. Cuối tháng 5.2017, vừa nghe tin báo về “sức khỏe” các bộ chiêng, tôi vội lên Vĩnh Thạnh.
Người dân xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh đánh cồng chiêng.
Số lượng giảm, phần lớn bị hư hỏng
Gặp nhà nghiên cứu Yang Danh, ông lo lắng cho biết, số lượng các bộ cồng chiêng hiện còn ở các làng đồng bào dân tộc Bana Kriêm giảm nhiều so với trước đây.
“Theo ông bà kể lại, ngày xưa, phần lớn các gia đình đều có bộ cồng chiêng riêng, khi có lễ hội thì tự đem ra đánh, phục vụ mọi người vui chơi. Trước năm 1975, cồng chiêng đã bị hư hao, tản thất khá nhiều. Sau năm 1975 đến nay, vì nhiều lý do, lại có thêm nhiều bộ cồng chiêng tại các làng bị mất mát, hư hỏng. Bây giờ nhiều làng chỉ còn vài bộ, cả chung lẫn riêng...”, ông Yang Danh cho biết.
Mới đây, Trung tâm VH-TT-TT huyện Vĩnh Thạnh tổ chức nhiều chuyến đi tìm hiểu thực tế ở các làng đồng bào Bana Kriêm, nhằm thống kê số lượng cồng chiêng còn lại. Kết quả thống kê, cả huyện còn có 83 bộ cồng chiêng, chủ yếu thuộc quyền sở hữu của các hộ gia đình. Tuy nhiên, điểm đáng lưu tâm hơn là hiện chỉ có khoảng 30-35% các bộ cồng chiêng là còn dùng được; số còn lại đều bị hư hỏng với nhiều mức độ, đặc biệt là bị lạc tiếng.
Đơn cử như ở làng Hà Rơn, thị trấn Vĩnh Thạnh, hiện còn được 3 bộ cồng chiêng, thì 1 bộ đã bị hư nên chỉ sử dụng tạm trong các đám tang. Tại làng M2, xã Vĩnh Thịnh, hiện còn 1 bộ cồng chiêng là tài sản chung của làng, 2 bộ khác của dân, nhưng cả 3 đều bị hư, xuống cấp rất nặng.
Bà Đinh Thị Nhẹ (67 tuổi), vợ của nghệ nhân Đinh Kim, Chủ nhiệm CLB cồng chiêng làng M2, xã Vĩnh Thịnh, chia sẻ: “Trước đây, làng có nhiều bộ cồng chiêng lắm, đàn bà như tôi cũng tham gia tập luyện, biểu diễn trong đội hình đánh cồng chiêng cùng với mấy ông. Nay cồng chiêng ở làng còn ít quá, gia đình nào có chuyện vui như đám cưới, muốn có cồng chiêng để trình diễn phải thuê, mỗi ngày trả 50.000 đồng. Nhưng làng còn 3 bộ thì 1 bộ hư, 2 bộ còn lại đánh nghe không sướng cái tai. Đánh cồng chiêng mà người làng buồn cái bụng...”.
Cần được chỉnh sửa
Một bộ cồng chiêng dùng được hiện có giá vài chục triệu đồng. Với đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, đó là số tiền tương đối lớn. Cũng như tất cả các loại nhạc cụ khác, sau một thời gian sử dụng, cồng chiêng cũng cần được chỉnh âm cân tiếng. Và đến đây lại xuất hiện một điểm bất ngờ, cả huyện Vĩnh Thạnh giờ chỉ còn đúng 1 người có thể chỉnh sửa cồng chiêng, đó là ông Đinh A Linh, ở xã Vĩnh Hòa.
Ông Đinh Y Oai, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Tôi đã đến nhiều làng để khảo sát về cồng chiêng, ở đâu cũng nghe người dân than phiền về cồng chiêng hư hỏng... Nếu mời các nghệ nhân chỉnh sửa cồng chiêng ở Gia Lai về chỉnh sửa thì họ đòi tiền công rất cao, khó kham nổi. Sau nhiều buổi vận động, thuyết phục, ông Linh mới đây đã đồng ý truyền lại cách thức chỉnh sửa cồng chiêng... ”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh lần thứ XVII (NK 2015 - 2020) về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn huyện, cuối tháng 5 vừa qua, Trung tâm VH-TT-TT huyện đã trình UBND huyện xem xét, phê duyệt Kế hoạch mở lớp tập huấn chỉnh sửa cồng chiêng Bana Kriêm. Theo kế hoạch, mỗi xã, thị trấn sẽ lựa chọn 1 người am hiểu, có năng khiếu, tâm huyết giữ gìn di sản cồng chiêng, để dự lớp tập huấn, dự kiến diễn ra trong 5 ngày (từ 20 - 25.6.2017) tại Trung tâm VH-TT-TT huyện Vĩnh Thạnh.
Nghệ nhân Đinh A Linh sẽ chỉ dạy những người tham gia tập huấn về các thao tác chỉnh sửa, điều chỉnh âm thanh, phối kết hợp giữa âm sắc và tiết tấu..., đảm bảo âm thanh hay, độ chính xác cho bộ cồng chiêng. Người học cũng sẽ được hướng dẫn về việc sử dụng sau khi sửa chữa, bảo quản cồng chiêng ở cơ sở. Sau đó, nghệ nhân cùng các học viên còn đi thực tế chỉnh sửa cồng chiêng ở 1-2 làng trên địa bàn huyện.
“Hi vọng, sau lớp tập huấn, các học viên sẽ trở về giúp tiếng cồng chiêng trở lại ngân vang, cuốn hút hơn tại nhiều làng đồng bào Bana Kriêm huyện Vĩnh Thạnh. Có thêm người biết chỉnh sửa cồng chiêng cũng chỉ là mới tạm gỡ được một mối lo thôi! Để phát huy giá trị cồng chiêng, còn nhiều việc phải làm lắm”, ông Đinh Y Oai tâm sự.
HOÀI THU