Phản ứng thế giới về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris
Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc chính thức rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu khiến cộng đồng quốc tế vô cùng quan ngại vì động thái này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Trong một phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng hôm 1.6, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Ông Trump nhấn mạnh Hiệp định Paris là không công bằng đối với Mỹ khi nó cho phép những nước khác tiếp tục xả thải khí thải ở mức độ cao, ám chỉ Trung Quốc. Ngoài ra, Hiệp định cũng góp phần cướp công ăn việc làm của người lao động Mỹ và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ.
Washington sẽ xúc tiến các cuộc thương lượng để tham gia một thỏa thuận khác với những điều khoản công bằng hơn cho nước Mỹ cũng như doanh nghiệp, công nhân, người dân và người nộp thuế ở Mỹ - ông Trump cho biết thêm.
Các điều khoản của Hiệp định Paris cho phép Mỹ hoàn toàn rút khỏi thỏa thuận sớm nhất là tháng 11.2020. Tuy nhiên, quyết định ra đi của nước thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất.
Giới phân tích cho rằng, với quyết định trên, Tổng thống Trump muốn chứng minh rằng ông đang đặt ưu tiên hàng đầu vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm liên quan tới các vấn đề môi trường theo chính sách "nước Mỹ trước tiên" của mình.
Tuy nhiên, ngay sau khi Tổng thống Trump công bố quyết định nói trên, cựu Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp định là hành động "bác bỏ tương lai" của chính mình.
Hiệp ước được xây dựng nhờ vai trò lãnh đạo "có nguyên tắc và vững chắc" của Mỹ. Những đổi mới trong khu vực tư nhân và đầu tư công của Mỹ trong các ngành công nghiệp đang phát triển như năng lượng gió và mặt trời đã tạo một số lượng mới các công việc có thu nhập cao trong những năm gần đây và góp phần tạo nên thời kỳ giải quyết việc làm lâu dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Khu vực tư nhân đã chọn đi theo nền kinh tế carbon thấp trong tương lai.
Ông Obama nhấn mạnh, ngay cả khi chính quyền Tổng thống Trump bắt tay cùng nhiều nước bác bỏ tương lai, ông vẫn tin tưởng các bang cũng như doanh nhân Mỹ sẽ đứng ra "bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai".
Những người ủng hộ Hiệp định Paris cảnh báo quyết định của Tổng thống Trump có thể khiến Mỹ bị cô lập trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất, đồng thời tạo cơ hội cho các nước khác như Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực này.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ sự tiếc nuối trước quyết định của ông Trump về việc rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Bà Merkel cũng nhấn mạnh cam kết của Đức đối với thỏa thuận và sẽ phối hợp với Pháp giữ vai trò lãnh đạo để thực hiện thành công thỏa thuận.
Các nhà lãnh đạo Pháp và Italy cũng lấy làm tiếc trước quyết định của Tổng thống Trump. Trong một tuyên bố chung công bố hôm 1.6, lãnh đạo các nước châu Âu nhấn mạnh Hiệp định Paris là một thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Thỏa thuận là một văn kiện sống còn đối với hành tinh, các quốc gia và các nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo châu Âu tin tưởng thỏa thuận này không thể thương lượng lại và tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ nhất trong việc nhanh chóng thực thi thỏa thuận. Các lãnh đạo châu Âu cũng cam kết thúc giục những nước tham gia hiệp định đẩy nhanh hành động và tăng cường những nỗ lực nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các mục tiêu cắt giảm khí thải.
Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về Hành động Khí hậu và Năng lượng Miguel Arias Canete cho biết, EU vô cùng lấy làm tiếc trước quyết định của Tổng thống Mỹ về việc rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, gọi đó là hành động đơn phương.
EU bày tỏ sự lo ngại khi Mỹ, một đối tác chính của hiệp định, quay lưng lại với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. EU cam kết sẽ tăng cường quan hệ với các đối tác hiện nay và tìm kiếm những liên minh mới từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới cho tới những quốc đảo dễ bị tổn thương nhất. Những đối tác này sẽ bao gồm các doanh nghiệp, công dân và cộng đồng người Mỹ có ý muốn ủng hộ Hiệp định Paris.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker có kế hoạch gặp gỡ với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cuối tuần này nhằm tái khẳng định cam kết về việc thực thi Hiệp định Paris.
Hồng Hà (Theo NHK)