Bệnh thành tích trở lại
Ngành giáo dục vừa làm lễ bế giảng năm học cũ, chuẩn bị tuyển sinh năm học mới. Điều dễ nhận thấy là có quá nhiều học sinh giỏi xuất hiện ở lớp cuối cấp tiểu học.
Chợt giật mình khi thấy căn bệnh thành tích vẫn như cũ dù cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" được phát động từ năm học 2006-2007.
Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh - một trường rất được nhiều phụ huynh ở Hà Nội lựa chọn - trong số hơn 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 trường này ở mùa tuyển sinh 2 năm qua, khoảng 1.000 hồ sơ được điểm 10 môn toán, môn văn từ lớp 1 đến lớp 5 và cứ 10 hồ sơ thì có 3 em được giải thưởng các loại.
PGS Văn Như Cương nhận định từ khi đi học, đi dạy và nhiều năm gần đây, ông cũng không thấy học bạ nào được điểm 10 môn toán lẫn môn văn 5 năm liền, từ lớp 1 đến lớp 5. Ngày trước được 7 điểm môn văn đã khó, đặc biệt lắm cô giáo mới cho điểm 10. Môn toán đạt điểm 9 cũng là mừng nhưng bây giờ thì rất nhiều!
Chưa hết, theo PGS Văn Như Cương, do có quá nhiều hồ sơ xin xét tuyển vào trường này nên trường buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để lọc hồ sơ. Ngoài ra, cứ 10 học sinh đăng ký vào trường thì 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi toán, tiếng Anh qua mạng, thi thể dục thể thao… Đây cũng là một tiêu chí nữa mà phụ huynh, học sinh phải "chạy". Như vậy, thực chất học sinh không được giảm tải mà càng bị áp lực nặng nề hơn.
Bệnh thành tích hoành hành từ lâu nên năm học 2006-2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới mở cuộc vận động nói trên, chủ yếu nhắm vào thành tích đỗ tốt nghiệp THPT khi ấy quá cao. Cuộc vận động đó, nay ra sao thì ai cũng biết, giờ lại lây lan sang cấp tiểu học, dù từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm tổ chức thi vào lớp 6 dưới mọi hình thức để giảm áp lực với học sinh. Tuy nhiên, để có một chỗ học vào các trường THCS tốt, phụ huynh học sinh vẫn "chạy điểm" tuyệt đối để được ưu tiên xét tuyển. Tại TP HCM, nhiều trường THCS có "chất lượng cao", ngoài học sinh trong tuyến có điểm xét tuyển cũng rất cao, học sinh ngoài tuyến chắc chắn phải là 20 điểm cho 2 môn văn và toán.
Vấn đề ở đây là làm sao đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học sinh. Điều này rất quan trọng đối với thầy cô giáo lẫn học sinh để có hướng điều chỉnh, bồi dưỡng, hướng dẫn các em học tập toàn diện. Việc chạy theo thành tích tiêu diệt mất yếu tố sư phạm rất quan trọng này.
Học sinh có quyền đi học và quyền chọn trường; muốn con mình học ở một ngôi trường tốt là ước mơ chính đáng của phụ huynh. Còn ở cấp độ quản lý, ngành giáo dục có quyền phân bổ học sinh vào các trường, trong đó việc phân theo địa bàn có vẻ hợp lý nhất nhưng những trường "có chất lượng" dưới mắt của phụ huynh không phải địa bàn nào cũng có. Vậy là xuất hiện hiện tượng "chạy trường", chạy theo thành tích để được ưu tiên xét tuyển vào trường tốt.
Cuộc chạy đua này bất tận và chưa có hồi kết bởi việc biến các trường tiểu học, THCS có chất lượng đồng đều nhau là chuyện không tưởng.
Theo Lưu Nhi Dũ (NLĐ)