Liệu giá thuốc lá cao có khiến tỉ lệ hút thuốc giảm?
Thuốc lá vẫn là một trong những nguyên nhân chính gây ra các căn bệnh, như ung thư hay các bệnh về phổi và tìm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm có khoảng bảy triệu người trên thế giới tử vong do thuốc lá.
Trong hơn thập kỷ qua, tỉ lệ người hút thuốc hàng ngày trên toàn cầu giảm đáng kể, nhưng WHO cho rằng vẫn cần nhiều nỗ lực để giúp mọi người bỏ thuốc lá.
Nhằm hạn chế việc tiêu thụ thuốc lá, chính phủ nhiều nước ban hành các quy định chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm thuốc lá, trong đó một số nước tăng cường thực hiện các chiến lược thắt chặt chính sách với thuốc lá.
Trong số các biện pháp được áp dụng, áp thuế cao với các sản phẩm thuốc lá được xem là phương thức ít tốn kém nhất mà vẫn rất hữu hiệu. Tuy nhiên, đây cũng là cách ít được áp dụng nhất, với chỉ 10% dân số thế giới sống tại các quốc gia đánh thuế cao nhằm vào thuốc lá.
Một báo cáo của WHO hồi năm 2010 cho thấy, tại các nước thành viên của tổ chức này có 78% số người trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên không hút thuốc lá. Ước tính, con số này tăng lên khoảng 5 tỉ trong số khoảng 6,5 tỉ người từ 15 tuổi trở lên vào năm 2025.
Hiện tại, gần 1/3 đàn ông trên thế giới có hút thuốc lá. Tuy nhiên, tỉ lệ đàn ông hút thuốc giảm khoảng 10% trong 30 năm qua.
Tỉ lệ hút thuốc lá giữa nam (74,1%) và nữ (25,9%).
Tăng giá bán thuốc lá
Tăng giá bán thuốc lá và áp dụng các biện pháp về thuế với sản phẩm thuốc lá giúp giảm nhu cầu hút thuốc lá.
Nhiều nước áp dụng thành công chính sách về thuế nhằm điều chỉnh giá bán thuốc lá. Chẳng hạn như tại Úc, một gói thuốc lá có giá bán lên đến 18 đô la Mỹ, mức giá cao nhất thế giới.
Theo báo cáo của Viện Sức khỏe và An sinh Úc (AIHW), trong năm 2016 nước này có tỉ lệ hút thuốc thấp nhất. Tỉ lệ người hút thuốc lá hàng ngày tại Úc ở mức dưới 13%.
Báo cáo này cũng cho biết, Úc là một trong những nước có tỉ lệ hút thuốc lá thấp nhất thế giới, một phần là do chính sách đánh thuế cao với các sản phẩm thuốc lá, đóng gói và quy định chặt chẽ về những nơi không được hút thuốc.
Buôn lậu thuốc lá
Ngành sản xuất thuốc lá và các nhóm lợi ích khác cho rằng, việc tăng thuế với các sản phẩm thuốc lá tạo điều kiện cho sự phát triển của hoạt động giao dịch thuốc lá lậu.
Tuy nhiên, WHO cho rằng, các nước có mức thu nhập cao và áp thuế cao với thuốc lá không gặp phải những vấn đề liên quan đến tình trạng mua bán thuốc lá lậu, trong khi các nước có thu nhập thấp lại đối mặt với vấn đề này, do các biện pháp về thuế và chương trình quản lý thuốc lá yếu kém. Gần 80% những người hút thuốc lá sống tại các quốc gia có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.
Lê Quảng (theo Al Jazeera)