Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Thạnh: Thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu
Trong những năm qua, huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ðảng bộ huyện và kế hoạch của UBND huyện về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ÐBDTTS) trên địa bàn.
ĐBDTTS xã Vĩnh Thuận được hỗ trợ bò để phát triển chăn nuôi. Ảnh: XUÂN DŨNG
Vĩnh Thạnh là huyện miền núi, với 8/9 xã, thị trấn có ÐBDTTS sinh sống, chủ yếu là dân tộc Bana, chiếm hơn 29% dân số, sống tập trung tại các làng; ngoài ra còn có các thành phần DTTS sinh sống xen kẽ. Xuất phát từ đặc điểm này, huyện xác định phát triển KT-XH vùng ÐBDTTS tập trung vào 3 mũi nhọn chính: làm lúa nước, trồng rừng và chăn nuôi bò, nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân.
Trước hết, huyện chủ trương phát triển cây lúa nước để ổn định lương thực cho vùng ÐBDTTS. Theo ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh: “Chủ trương của huyện là làm sao mỗi người dân, nhất là ÐBDTTS, phải có một phần diện tích lúa nước nhất định để chủ động cái ăn tại chỗ. Huyện đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng những công trình thủy lợi nhỏ, phát triển nhanh diện tích lúa nước. Hiện nay, mỗi xã miền núi có từ 20 ha đến hơn 200 ha lúa nước. Xã Vĩnh Kim là địa phương có diện tích lúa nước thấp nhất cũng được hơn 20 ha.
Từ việc đẩy mạnh phát triển diện tích lúa nước, chuyển giao tiến bộ KHKT, đưa các giống lúa lai vào sản xuất, nên năng suất lúa nước vùng ÐBDTTS đã đạt bình quân gần 60 tạ/ha, nhờ vậy tình trạng thiếu ăn giáp hạt đã không còn”.
Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh nghề chăn nuôi bò thịt, huyện chú trọng đầu tư nâng cấp chất lượng đàn bò. Từ nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình 30a và các dự án khác, người dân địa phương đã khai thác tiềm năng đồng cỏ, đất đai, chọn lọc con giống, cải tiến phương thức nuôi…, từng bước hoàn thiện quy trình chăn nuôi từ quảng canh đến bán thâm canh; hiện một bộ phận người chăn nuôi đã nuôi bò lai theo phương thức thâm canh cải tiến.
Chương trình phát triển đàn bò trong những năm qua đã góp phần nâng cao đời sống cho ÐBDTTS trên địa bàn huyện. Hiện tổng đàn bò trong huyện có 16.260 con, tỉ lệ bò lai đạt 91%, trong đó các giống bò Zebu, Drought Master, Red Angus… là những giống bò lai có năng suất cao, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thời tiết, cách chăm sóc, nuôi dưỡng ở địa phương, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa và tăng thu nhập cho nông dân. Nhiều hộ đồng bào miền núi Vĩnh Thạnh đã có thu nhập từ 80-100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi bò thịt.
Về hỗ trợ ÐBDTTS phát triển kinh tế rừng, ông Trần Quốc Lại, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Toàn huyện đang có khoảng 4.344 ha rừng trồng. Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất rừng của các xã, huyện đang hỗ trợ người dân phát triển kinh tế rừng bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện cũng đã hỗ trợ chuyển đổi hơn 1.000 ha cây điều kém hiệu quả sang trồng rừng nguyên liệu. Ðối với vùng ÐBDTTS, Ðảng bộ huyện có nghị quyết chuyên đề, trong đó xác định kinh tế rừng là thế mạnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; mạnh dạn giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các hộ ÐBDTTS... để người dân có thêm thu nhập, ổn định và cải thiện cuộc sống”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế của vùng ÐBDTTS trên địa bàn huyện còn khó khăn, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất còn hạn chế… Vì vậy, “trong thời gian tới, bên cạnh việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, huyện đẩy mạnh đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, lựa chọn những cây, con giống phù hợp với đặc điểm của từng vùng; tăng cường đào tạo, tập huấn, hỗ trợ ÐBDTTS áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Quan trọng hơn, cần tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự thoát nghèo của người dân”, Chủ tịch UBND huyện, ông Trần Quốc Lại, khẳng định.
XUÂN DŨNG