Vì lợi ích trăm năm!
Bây giờ đã là những ngày tháng Sáu - Tháng hành động vì trẻ em năm 2017. Có một điều đặc biệt hơn các năm trước khi Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6 năm nay cũng là ngày Luật Trẻ em 2016 được Quốc hội khóa XIII thông qua chính thức có hiệu lực.
Luật Trẻ em 2016 là sự thể chế hóa các chủ trương của Ðảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới, ghi nhận đầy đủ các quyền của trẻ em và tiếp cận trên quyền của trẻ em.
Luật Trẻ em đã quy định rõ trẻ em là người dưới 16 tuổi, được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em như quyền sống; quyền được khai sinh và có quốc tịch; quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội…
Chăm lo, giáo dục, bảo vệ trẻ em là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách của Ðảng và Nhà nước ta. Ngay từ những ngày đầu thành lập chính quyền công nông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi thiếu niên, nhi đồng cả nước nhân ngày khai trường, nhân dịp Tết Trung thu, trong đó đều nhắc nhở các cấp ngành và toàn xã hội thường xuyên chăm lo và dành những gì tốt nhất cho trẻ em. Ðặc biệt, dù còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước ta là một trong các chính phủ đầu tiên trên thế giới kí cam kết thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Trẻ em Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào đều được quan tâm chăm sóc chu đáo về giáo dục, y tế; được quan tâm cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện vẫn đang còn có những bất cập. Trong đó, điều đáng quan tâm là còn nhiều trẻ em đang phải vất vả kiếm sống, tình trạng trẻ em bỏ học, tỉ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng. Ðáng buồn và đau xót hơn là tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bị bóc lột sức lao động, bị lôi kéo vào những vấn đề tiêu cực, tệ nạn xã hội… Mặc dù các cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể đã có nhiều chủ trương, chính sách tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; các cơ quan pháp luật đã quan tâm, tập trung xử lý các vụ xâm hại trẻ em, lên án những việc làm, những hành động thô bạo với trẻ em… nhưng thực trạng này vẫn đang là nỗi nhức nhối của xã hội.
Trẻ em là hạnh phúc và hy vọng của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Tháng hành động vì trẻ em là dịp để các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể có nhiều hơn sự nỗ lực và các hành động thiết thực để chăm lo giáo dục, bảo vệ trẻ em tốt hơn, hiệu quả hơn. Ðây không chỉ là trách nhiệm với thế hệ tương lai mà còn là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
H.Ð