Xe tải chạy “co” trục: Lợi bất cập hại
Gần đây, cánh tài xế xe tải thường rỉ tai nhau truyền kinh nghiệm chạy “co” trục cho tiện lợi. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, hành vi này sẽ góp phần làm hạ tầng giao thông mau xuống cấp, hư hỏng.
5 trục “co” thành 4
9 giờ sáng 19.5 tại cầu cảng Quy Nhơn (thuộc Công ty CP Cảng Quy Nhơn), đầu mối bốc xếp hàng hóa, tài xế xe tải loại 5 trục BKS 77C - 093.xx đưa xe cập gần tàu để chất hàng là phân đạm Phú Mỹ. Trong 2 tiếng, có tất cả 18 lượt cẩu (25 bao loại 50 kg/lượt) đưa hàng vào thùng xe, tương đương với 22,5 tấn hàng.
Xe tải 5 trục BKS 77C - 093.xx nhận hàng tại cầu cảng Quy Nhơn theo kết cấu 5 trục, nhưng khi lưu thông, xe “co” 1 trục, chỉ còn 4 trục.
Theo trích xuất của Cục đăng kiểm Việt Nam, xe tải BKS 77C- 093.xx là loại xe tải 5 trục được tải trọng tối đa là 34 tấn, gồm xác xe (hơn 13,3 tấn) và hàng hóa (20,5 tấn). Nhưng trên đường từ cảng Quy Nhơn về kho hàng ở KCN Nhơn Hòa (TX An Nhơn), xe tải BKS 77C - 093.xx đã “co” trục giữa, chỉ chạy bằng 4 trục như xe tải 4 trục. Trong khi đó, theo quy định của Thông tư 46/2015/TT-BGTVT về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, phương tiện, thì tổng tải trọng tối đa được phép của xe tải 4 trục là 30 tấn (gồm xác xe và hàng hóa). Mất 1 trục xe, 4 trục còn lại của xe tải BKS 77C - 093.xx phải chịu tải thêm ít nhất 4 tấn, chưa kể phần hàng hóa dôi dư.
Sáng 22.5, chúng tôi được một tài xế tên H. điều khiển xe tải 5 trục BKS 77C- 111.xx cho quá giang từ cảng Quy Nhơn về KCN Nhơn Hòa. Anh H. cho biết xe anh nhận chở 490 bao phân đạm Phú Mỹ (24,5 tấn). Trên đường đi, anh H. nhấn nút cho “co” 1 trục, chỉ chạy 4 trục. Tôi nhẩm tính, 4 trục xe còn lại phải gánh thêm 5,92 tấn cho trục đã “co” lên. Anh H. giải thích thêm: “Lái xe thường “co” trục giữa để giảm hao mòn lốp và tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài ra, nếu gặp CSGT hoặc thanh tra giao thông yêu cầu kiểm tra, hoặc buộc cân tải trọng thì chúng tôi sẽ cho xe chạy chậm và bấm nút cho hạ trục giữa xuống, thành xe chở đúng tải ngay”.
Cần kiểm tra, xử lý kiên quyết
Theo ông Đặng Văn Ái, Phó Giám đốc Sở GTVT, về nguyên tắc, loại xe tải 5 trục khi không chở hàng thì lái xe có thể nâng một trục lên nhằm giảm lực ma sát trên đường, giúp xe chạy nhanh hơn, tiêu hao nhiên liệu ít hơn.Tuy nhiên, nếu là xe đang chở hàng nặng mà lại co rút 1 trục, thì sẽ dẫn đến trọng lượng hàng hóa lẫn trọng lượng xe dồn hết về các trục còn lại, gây quá tải cho phương tiện và làm ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, ông Ái nhận định: “Rất khó xử lý hành vi này, bởi khi muốn đối phó với lực lượng chức năng, lái xe chỉ cần nhấn nút hạ trục xuống là xong”.
Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt, Công an tỉnh, nhận xét: “Lái xe thực hiện hành vi cho xe tải “co” trục đang có dấu hiệu gia tăng, nhưng để xử lý được cần phải có bằng chứng cụ thể thì lái xe mới tâm phục khẩu phục. Vì thế, sắp tới, CSGT sẽ đẩy mạnh công tác tuần lưu trên đường, kết hợp mật phục ghi hình. Ngoài ra, Phòng cũng sẽ mời các chủ xe, đơn vị vận tải sử dụng loại xe tải 5 trục ký cam kết chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ; không thực hiện hành vi “co” trục làm quá tải phương tiện, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ. Nếu phát hiện xe vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Phó Giám đốc Sở GTVT Đặng Văn Ái cũng cho biết thêm: Sở GTVT sẽ chỉ đạo lực lượng Thanh tra của Sở tăng cường sử dụng camera để ghi hình xe tải 5 trục “co” trục để chở quá tải; phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh triển khai các biện pháp nghiệp vụ trong công tác tuần tra, kiểm soát để sớm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Theo một cán bộ Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy bộ Bình Ðịnh, gần đây, một số DN vận tải hàng hóa tại các cảng đóng trên địa bàn tỉnh mua khá nhiều xe tải loại 5 trục (khoảng 50 chiếc). Việc chở hàng hóa theo đúng tải trọng loại 5 trục nhưng lại “co” trục khi di chuyển sẽ làm áp lực tải trọng xe tì xuống mặt đường rất lớn, khiến mặt đường, cầu nhanh sụt lún, hư hỏng hơn.
TRỌNG LỢI