“Thế gian ơi để tôi sống yên bình”
Ðó là một câu hát trong “Lô tô” - bộ phim về những con người bất hạnh với kiếp “thân sâu hồn bướm”, vá víu, nương tựa nhau kiếm sống qua ngày ở gánh lô tô Phù Hoa. Ðó là kiếp sống trôi sông lạc chợ, ắp đầy những mảng màu trái ngược về cộng đồng chuyển giới nam: những thân hình thô ráp mà lộng lẫy trong phấn son đèn màu, những mẩu chuyện đầy hài hước vui nhộn mà đượm xót xa tủi nhục.
Giờ, những đoàn lô tô đã vắng thưa. Chứ độ 20 năm trước, khi cái tivi còn là thứ gì đó xa xỉ, mỗi lần có gánh lô tô ghé vùng biển là như xôn xao cả một góc trời. Trẻ con có đủ trò chơi hấp dẫn, người lớn mê lô tô rủi may, nghe ca hát. “Số số gì đây, con số gì đây, mầy ra mà con mấy, con mấy mầy ra…”. Thủa ấy, tôi chẳng thể nào lý giải được, sao lại có những người kỳ lạ đến vậy, rõ ràng mặc váy áo hở hang, mà giọng hát vẫn ồm ồm vang. Dù chẳng hiểu gì, nhưng tôi lại rất ghét những thằng nghịch ngợm len lén rình sau sân khấu, hay nhao nhao trêu chọc các “ca sĩ”.
Những mảng ký ức ấy lại ùa về khi từng thước phim chầm chậm lướt qua. Những phận đời mong manh như cái tên Phù Hoa của đoàn lô tô - nơi chúng thuộc về. Như chiếc xe xập xệ sặc sỡ ánh đèn lầm lũi chạy trong đêm. Như những manh áo lòe loẹt cũ kỹ phất phơ trong gió. Và, neo lại trong lòng người là những câu nói nhức buốt. Ðó là chàng Ðực - cô đào Lệ Liễu khi thật thà: “Giấc mộng chết thì cuộc đời cũng hết, nên tôi vẫn nuôi mộng ước của đời mình, không ngừng mộng ước, không ngừng”. Ðó là một cô gái trẻ - tình địch của Lệ Liễu - khi mỉa mai: “Ông có gì để làm đàn bà?”. Ðó là Lệ Sa Sa khi chua chát: “Tụi chị có nhà mà tụi chị không dám nhớ. Bởi vì mỗi lần nhớ nhà, thấy mình có lỗi với mẹ cha”…
Khi đó, ta lại tự hỏi, mình có đủ vị tha để lắng nghe, để hiểu được (dẫu ít ỏi) thế giới của họ?
M.L