Duy trì và đổi mới hoạt động Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn: Những chuyển động tích cực
Bên cạnh nguồn thu từ hoạt động và kết quả vận động xã hội hóa lần đầu thực hiện, Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn sẽ tiếp tục được ngân sách hỗ trợ để đảm bảo hoạt động ổn định, lâu dài. Ðây là khẳng định của lãnh đạo đơn vị tổ chức và thực hiện chương trình trên- ông Nguyễn Ngọc Tiến, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn.
Luân phiên phục vụ tại 2 địa điểm mới, tổ chức thi hô hát bài chòi dành cho học sinh nhằm tìm kiếm, đào tạo hiệu nhí, đưa câu thai và phần hô mẫu lên mạng để người yêu thích tập hô… là những kế hoạch mà đơn vị đang tính đến, nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả cho Hội đánh bài chòi nói riêng và góp phần bảo tồn, quảng bá di sản bài chòi nói chung.
Từ sự đầu tư lâu dài của đơn vị tổ chức thực hiện cộng với việc hưởng lợi từ Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát bội và Bài chòi trên địa bàn tỉnh, mong rằng thời gian đến, chất lượng phục vụ của Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn sẽ được nâng cao.
- Trong ảnh: Thi hô hát bài chòi giữa nghệ nhân các phường, xã thuộc TP Quy Nhơn - Tết 2017.
Duy trì và hơn thế nữa…
Từ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, khi được tổ chức định kỳ, Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn (gọi tắt là Hội) hoạt động bằng cách lấy thu để chi, hết nguồn này, Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn trích kinh phí hoạt động để duy trì. Gần đây, Hội có thêm một nguồn thu mới. Nguồn này có được nhờ nghệ nhân tham gia Hội, đồng thời là lãnh đạo Trung tâm vận động từ một số cá nhân, đơn vị.
Ông NGUYỄN TUẤN THANH-Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đẩy mạnh xã hội hóa để duy trì tổ chức, nâng cao chất lượng Hội đánh bài chòi
“Về việc duy trì tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn, tôi đã yêu cầu Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn trực tiếp làm việc với Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn để thống nhất cách thức duy trì hoạt động, trong đó chú trọng kêu gọi các Mạnh thường quân ủng hộ, xã hội hóa trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản bài chòi. UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, tiếp tục hỗ trợ cùng với thành phố duy trì việc tổ chức Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn theo hướng kêu gọi các Mạnh thường quân hỗ trợ như việc tổ chức “Võ đài xứ Nẫu” vậy!”
(THU HÀ ghi)
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, quan điểm nhất quán từ đầu của cá nhân ông cũng như của đơn vị là luôn quan tâm, đầu tư cho Hội. Và việc ủng hộ phương án xã hội hóa là để tạo thêm nguồn thu, tăng hiệu quả chứ không phải là giải pháp thay thế, dừng việc trích tiền từ ngân sách cấp cho hoạt động của Trung tâm để hỗ trợ cho Hội.
Ông Tiến cho hay, xác định hoạt động lâu dài và để kịp cho mùa phục vụ cao điểm Tết 2017, trước đó Trung tâm đã đầu tư 31 triệu đồng để làm mới, sửa chữa chòi, cổng hội, pano tuyên truyền… bị gãy đổ, hư hỏng nặng sau đợt mưa bão cuối năm và 26 triệu đồng để tổ chức tập huấn.
Song song với khẳng định tiếp tục cân đối ngân sách để đầu tư duy trì Hội như lâu nay, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn cũng chia sẻ về những kế hoạch trong thời gian đến.
Theo đó, nhằm mở rộng đối tượng khán giả cũng như thăm dò sự quan tâm, tham gia của du khách, người dân, tạo cảm giác mới mẻ về không gian tổ chức, đơn vị này đang khảo sát để mở rộng thêm hai điểm chơi mới và luân chuyển địa điểm phục vụ, trước tiên có thể sẽ là ở khu vực Đầm sinh thái Đống Đa và dọc tuyến biển đường Xuân Diệu.
Ngoài ra, “ý tưởng về cuộc thi hô hát bài chòi dành cho học sinh đang được bàn bạc cụ thể; theo đó, thời gian phát động phải dài để học sinh, nhà trường chuẩn bị, thời điểm diễn ra phải phù hợp, thuận tiện cho việc học hành, thi cử của các em và nhất là, trước đó đơn vị tổ chức phải tập huấn cho đối tượng tham gia.
“Website của Trung tâm đang trong giai đoạn chạy thử, khi chính thức vận hành, sẽ cho đăng tải trên đó hệ thống câu thai, phần hô câu thai mẫu, trích đoạn bài chòi hay… do nghệ nhân thể hiện nhằm giúp người mộ điệu di sản bài chòi dễ thực hành”, ông Tiến chia sẻ.
Hội bài chòi cổ xã Nhơn Hải phục vụ thu hút rất đông người dân và du khách tới chơi, từ buổi chiều đến tối.
- Trong ảnh: Anh Marcin, du khách đến từ Ba Lan, rất thích thú khi tham gia hội bài chòi.
Thêm cú hích
Di sản bài chòi đang đứng trước cơ hội được đầu tư bảo tồn, phổ biến một cách bài bản, quy mô nhất từ trước đến nay nhờ Đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát bội và Bài chòi trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020, với tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 39,5 tỉ đồng.
Riêng ở di sản bài chòi, Đề án đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó đáng chú ý là đào tạo nghệ nhân bài chòi kế cận, phấn đấu đến năm 2020, có 40 câu lạc bộ bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh…Đề án cũng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đạt những mục tiêu đề ra, gồm: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, số hóa tư liệu; truyền dạy trong cộng đồng và trường học; phục hồi hội đánh bài chòi, các vở, trích đoạn bài chòi dân gian; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù; tuyên truyền, quảng bá; đầu tư, quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất; gắn kết với hoạt động du lịch nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản.
Theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Trương Đông Hải, là cơ quan thường trực thực hiện Đề án, Sở VH&TT đang xây dựng kế hoạch cụ thể để trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở triển khai trên địa bàn tỉnh. Với di sản bài chòi, một trong những giải pháp thực hiện quan trọng là tăng cường sự hiện diện, phổ biến của di sản tại các địa phương trong tỉnh. Với kinh phí bảo tồn lớn, giải pháp mang tính toàn diện, đảm bảo về chiều sâu lẫn bề rộng, khi kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án được phê duyệt và bố trí nguồn vốn thực hiện, chắc chắn những khó khăn liên quan đến vấn đề tài chính để duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động như ở Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn hay một số địa phương khác trong tỉnh sẽ được giải quyết căn bản; đồng thời mở ra cơ hội bảo tồn, quảng bá mạnh mẽ, hiệu quả cho di sản.
Ðợt tổ chức Hội dịp Tết Nguyên đán 2017 (đợt thu cao điểm nhất trong năm), trời hay mưa khiến nguồn thu (chủ yếu từ tiền bán vé cho khách lên chòi chơi) chưa được một nửa so với năm ngoái. Năm 2016, Hội thu được 36 triệu đồng, trong khi từ Tết đến nay được có 15,2 triệu đồng. Nguồn thu để chi giảm như vậy, đồng nghĩa với việc thời điểm ngân sách hỗ trợ đến sớm hơn, con số bù lỗ theo đó cũng cao hơn. Là lãnh đạo đơn vị và nghệ nhân nhiều năm gắn bó với Hội, tôi thấy cần phải chủ động, có trách nhiệm trong lĩnh vực mình phụ trách, do vậy mà đề xuất phương án xã hội hóa để tăng nguồn thu cho Hội và giảm gánh nặng cho ngân sách.
Bà NGUYỄN THỊ QUÝ NHẤT - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn
Nha Trang - Khánh Hòa phục hồi, tổ chức Hội đánh bài chòi sau ta nhiều năm, nhưng nhìn Hội ở tỉnh bạn hoạt động ổn định thấy mà ham! Ngoài điểm thuận lợi là đông khách du lịch hơn, Hội đánh bài chòi ở Nha Trang được bao cấp mỗi đêm 3 triệu đồng, mức hỗ trợ này đủ cho các khoản tối thiểu như thù lao cho hiệu, nhạc công, bồi dưỡng phục vụ…, chưa kể nguồn thu bán thẻ chơi.
Ông PHẠM HOÀNG VIỆT - cán bộ Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn
SAO LY