Dòng sông không trôi
* Truyện ngắn của NGUYỄN ANH NHẬT
Mùa hè năm nay, như thường lệ, tôi cứ chờ mẹ công bố kế hoạch du lịch của cả nhà. Có vô vàn những điểm đến mà tôi trông chờ, nào Hạ Long, Hội An, nào Ðà Lạt, Nha Trang… Nhưng phút cuối cùng, điểm đến mẹ nói ra nghe rất lạ tai và hầu như tôi chẳng có nhiều ý niệm về nơi ấy:
- Hè năm nay, Nữ sẽ về quê ngoại nhé!
Ðã hơn mười năm từ lần đầu về quê. Nơi ấy trong ký ức của một đứa mẫu giáo chỉ còn đọng lại hai chữ “làng Ðá”.
***
Tôi không biết một mình về ngoại có phải là quyết định đúng đắn hay không, nhưng ở hoàn cảnh này thì rõ ràng là khó coi thật. Tôi mắm môi mắm lợi dò dẫm từng bước trên con đường làng lổn nhổn đá. Giờ tôi mới tiếc khi không nghe lời mẹ đem theo đôi dép nhựa thấp gót về quê. Hai thùng nước nặng trĩu trên vai thít cái đòn gánh xuống đau điếng. Bé Huyền, con mợ Thúy, chạy trước dẫn đường, lẵng nhẵng trên tay nó là đôi giày mốt mới của tôi. Với đôi chân trần, tôi khổ sở kéo từng bước dưới cái nắng bỏng rát của mùa hè. Lúc này, tôi chỉ biết rủa thầm cái tình thế lố bịch lúc này.
Ôi, làm sao tưởng tượng được một “cô tiểu thư về làng” với quần bò sơ mi lại đi chân đất, mặt mũi đỏ phừng phừng vì hai thùng nước, đôi kính cận mờ đi vì mồ hôi và muôn vàn biểu cảm khó coi khác nữa. Hoàn cảnh trớ trêu của tôi ngay bây giờ chắc chắn đang là mục tiêu của bao nhiêu cặp mắt ở hai dãy nhà trên con đường trục giữa làng. Xung quanh tôi phát ra những âm thanh khó nghe như: “Bốn mắt kìa tụi mày!”, “Bốn mắt gánh nước có mệt lắm không?”…
Tôi nhắm tịt mắt mũi khi đi qua giữa những tiếng trêu chọc của mấy đứa trẻ làng đi ngược chiều. Tôi vốn ghét bị trêu là “bốn mắt này, bốn mắt nọ”, không ngờ ở xứ quê mùa này lại vận luôn vào điều ấy. Tôi bước nhanh hơn, như muốn trốn chạy...
Ði thêm một đoạn nữa, từ một cái lán bên đường- nơi thường xuyên ầm ào tiếng máy nghiền đá- một giọng con trai tinh quái vọng ra:
- Cặp ba lá ơi, cặp ba lá ơi...! Ta nghe danh nàng đã lâu, bây giờ gặp, té ra nàng dễ thương quá vậy, hi hí!
Giờ tôi mới chợt nhớ ra mình đang đeo cái cặp ba lá của mẹ, nhưng sao tên kia lại lấy cái đó ra để chọc quê tôi nhỉ. Nhiều tiếng cười rộ tán thưởng. Gặp cái Huyền cũng không phải tay vừa, nó quay ngoắt lại, réo lên:
- Chết nhá, anh Nguyên! Em về mách bà anh cho xem!
Tôi tức sôi ruột, nhưng tò mò nhìn về phía bên đó. Liếc nhẹ sang, tôi vừa kịp chiêm ngưỡng một anh chàng cao kều mặc độc cái quần bảo hộ lao động xắn gấu đang thè lưỡi trêu bé Huyền. Nụ cười cứ sáng rỡ trên gương mặt bám đầy bụi đá xám mờ.
Tôi huých vai Huyền, chạy bừa đi, làm hai thùng nước sóng sánh mất khá nhiều. Họ trạc tuổi tôi và đang làm một công việc nặng nhọc, lẽ ra tôi không nên giễu qua trước mặt họ trong bộ dạng này mới phải. Và giá như tôi đề nghị một nơi nghỉ hè hạnh phúc hơn nơi này thì tốt biết mấy. Khung cảnh nơi đây, con người nơi đây, không khí ngay lúc này càng lúc càng tô đậm sự hối hận đang chực trào lên trong tôi.
Buổi chiều, lúc chuẩn bị hạ mâm cỗ cúng giỗ bà ngoại tôi, ông ngoại nhắc mợ Thúy:
- Con nhớ sắp riêng mấy món ngon để Nữ nó bê ra biếu bà cố Lành.
Tôi bỡ ngỡ nhìn ông:
- Bà cố Lành là ai ạ?
- Hơn mươi năm nay cháu mới về, ông giận mẹ mày lắm! May mà giỗ bà năm nay, nó nghĩ sao lại bảo mày về. Người thân người sơ xứ là quên hết…
Giọng ông chợt bùi ngùi, xa vắng hẳn đi:
- Bà Lành là… Mà thôi, tí nữa nhớ giúp ông bê cỗ ra biếu bà. Mẹ cháu mỗi lần về đây thường chạy đi chạy lại ngoài ấy.
Bé Huyền rỉ tai tôi:
- Bà Lành là bà anh Nguyên đấy chị ạ.
Nghe vậy, dẫu có muốn làm ông ngoại vui đến đâu tôi cũng đành tìm cách thoái thác “nhiệm vụ” ông giao. Tôi viện đủ mọi lý do từ đau bụng, nhức chân, ê vai, mỏi lưng để nằm ở nhà xem vô tuyến, mợ Thúy chỉ cười và giúp tôi mang cỗ sang nhà bà Lành. Từ lúc đó cho đến tối, ông thường ngồi lặng trên chiếc phản kê giữa nhà, nhấm nháp chén nước chè xanh hãm bằng thứ nước khe tôi và Huyền gánh trong núi về.
Trăng mười sáu. Làng Ðá ban ngày ồn ào, bụi và nóng ong ong giờ cũng dịu mát hẳn. Từ sân nhà ông ngoại nhìn lên núi Vọng Phu, thấy rõ hình người mẹ dắt con ngoảnh về phía Nam trông chồng, in trên nền trời đầy sao. Xa xa bên kia là tiếng chảy của dòng sông nằm nghiêng ôm lấy cánh đồng, tưới phù sa cho bãi bồi luôn màu mỡ. Tôi nhắm mắt, lắng nghe và niềm xôn xao cảm mến quê hương từ từ trỗi dậy.
Ông mệt đã đi nằm. Tôi và bé Huyền ngồi trên cái võng mắc ở sân hóng gió. Bỗng có tiếng harmonica chơi vơi đâu đó vọng lại trên nền quê tịch mịch. Bé Huyền chợt reo lên:
- Anh Nguyên đấy. Anh ấy còn biết chơi đàn guitar nữa cơ, mấy anh chị ở tổ nghiền đá toàn tập trung ở nhà cố Lành đàn hát, vui lắm.
Rồi nó hạ giọng, thì thầm:
- Em nói với chị một chuyện bí mật, mẹ em kể. Nhưng mà chị đừng mách với mẹ chị là em nói đấy. Mẹ chị ngày xưa yêu bố anh Nguyên, cùng học một lớp mà. Thế mà mẹ chị lại bỏ bố anh Nguyên để lấy bố chị! Giờ thì chú Sĩ hy sinh rồi, anh ấy ở với mỗi bà cố Lành. Bà ấy lại bị lòa…
Tôi nhói lên, nghe lòng mình chợt rung những cảm xúc lạ. Tôi buột miệng gọi to vào nhà:
- Ông ơi! Ông ngủ chưa ạ?
Ông ngoại đã đứng ở khuôn cửa tràn ngập ánh trăng từ lúc nào. Chắc ông cũng nghe điều bé Huyền vừa nói rồi. Lặng lẽ, ông bê khay chén ra ngồi nơi cái chõng tre cạnh chúng tôi. Bé Huyền nhanh nhẹn vào lấy cho ông giỏ tích nước chè tươi.
Thì ra, chuyện cũng không đến nỗi như Huyền kể. Chú Sĩ đi bộ đội thì mẹ tôi vào đại học, khi đã hẹn ước với nhau. Sau gần hai năm không có tin tức gì của chú Sĩ thì mẹ tôi mới gặp và yêu bố. Lúc chú từ chiến trường K về, bố mẹ tôi đã sắp cưới. Một thời gian sau, chú lấy vợ, sinh Nguyên rồi lại đi tiếp và đã hy sinh ở một nơi nào đó xa lắm bên nước bạn…
Lúc này, tôi bỗng ngờ vực liệu có phải chiếc cặp ba lá là của mẹ nên Nguyên mới chú ý, thay vì là đôi kính cận như tụi trẻ kia không, hay chỉ là ngẫu nhiên?
Ông tôi bảo:
- Kể ra, mẹ cháu cũng không có lỗi. Chỉ thương thằng Nguyên, mẹ nó đi lấy chồng làng bên nên nó phải thôi học để đi làm đá nuôi bà Lành. Ðược cái nó có chí, cả làng ai cũng thương. Ông thì thấy mình có điều gì không phải với bà Lành, bà ấy quý mẹ mày lắm.
Ðêm ấy, tôi và Huyền ngủ ngay ở võng, trong dìu dặt làn gió cuốn hương thơm của đồng nội ắp đầy tâm trí. Tôi bỗng nghe trong không gian tiếng harmonica của Nguyên, hèn chi cậu ta hát: “Nghe danh nàng đã lâu”. Mẹ tôi có thể không có lỗi nhưng hẳn là đã buồn khổ bởi cuộc sống hiện tại của bà buồn nhiều hơn vui. Ông bà nội tôi rất giàu và thường không giấu giếm cảm xúc thật mỗi khi đụng đến nguồn gốc lam lũ của mẹ. Bố tôi thì lại phụ thuộc ông bà nội nhiều thứ, thương mẹ tôi cũng chỉ biết im lặng.
Sáng hôm sau, tôi và bé Huyền cắp rổ đi mua rau. Không khí ở làng Ðá buổi sớm thật thích, đến gần chợ mới biết nhà bà cố Lành ở gần đấy.
- Chào “cặp ba lá”, tối qua bà tôi mong Nữ mãi.
Tôi hoàn toàn bị thuyết phục trước giọng nói thân thiện của Nguyên. Hình như cậu ta chuẩn bị đi làm. Không còn cái xám bụi đá, chỉ còn nước da đen cháy với một đôi mắt rất sáng.
Tôi vội đến hàng rau mua rồi bảo Huyền về trước để ra bờ sông ngồi. Chợt có cảm giác như dòng sông trước mặt bỗng nhiên ngừng lại, không trôi nữa. Tôi cũng ước giá như thời gian ngừng vĩnh viễn tại khoảnh khắc này, để tôi tận hưởng mãi những giây phút tuyệt vời ở quê ngoại. Ðợt gió mạnh vừa rồi vô tình thổi bay những hối hận trẻ con của tôi đi mất, chỉ để lại niềm xao xác vô bờ khi được hòa mình vào chốn quê đầy ắp kỷ niệm một thời.
Tự nhiên, tôi lại nghĩ vu vơ: “Không biết, chú Sĩ có giống Nguyên không nhỉ?”… Dường như dòng sông trước mặt tôi không trôi ở một khoảng lặng nào đó…
N.A.N