Hỗ trợ người chăn nuôi heo: Thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp
Từ đầu tháng 5 đến nay, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ đàn heo thịt đang tồn đọng, góp phần ổn định sản xuất. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Ðào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, quanh vấn đề này.
● Xin ông cho biết kết quả của các hoạt động hỗ trợ người chăn nuôi khắc phục khó khăn tại tỉnh ta?
- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đầu tháng 5 đến nay, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và chính quyền các địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, người dân tiêu thụ thịt heo nhằm hỗ trợ người chăn nuôi, góp phần bình ổn giá thịt heo trên thị trường. Bên cạnh đó là việc xây dựng khung giá thịt heo và tổ chức các điểm bán thịt heo sạch bình ổn giá; vận động các chủ trang trại giết mổ heo đưa đến các điểm đã xây dựng để bán.
Đến nay, có 8/11 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng 85 điểm bán thịt heo với giá thấp hơn từ 15-20% giá bán tại các chợ. Giá thịt heo tại các điểm bày bán được niêm yết rõ ràng, cụ thể, nhiều địa phương còn bán thịt heo với giá thấp hơn giá khung của tỉnh. Do vậy, lượng khách đến mua nhiều hơn dự kiến. Bình quân mỗi ngày, các điểm tiêu thụ được 120-150 con heo, trọng lượng bình quân 100 kg/con. Hoạt động bán thịt heo bình ổn giá đã tác động đến giá thịt heo tại các chợ trên địa bàn tỉnh, giảm từ 20-30% so với thời điểm đầu tháng 5.2017; giá heo hơi tại các trang trại, hộ gia đình ở các địa phương đã tăng thêm từ 2.500 - 4.000 đồng/kg.
Tuy vậy, khách quan nhìn nhận, các giải pháp khuyến khích tiêu thụ thịt heo nhằm bình ổn giá vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Thực tế cho thấy, giá heo hơi có tăng nhưng rất chậm, trong khi giá thịt heo tại các chợ vẫn còn ở mức cao. Hiện lượng heo đến kỳ xuất chuồng nhưng còn tồn đọng tại các địa phương khoảng trên 30.000 con, khiến đời sống, sản xuất của người chăn nuôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều người dân đến điểm bán thịt heo sạch tại Nhà Văn hóa phường Lý Thường Kiệt - TP Quy Nhơn để mua thịt heo ủng hộ người chăn nuôi.
● UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Bình Định và chính quyền các địa phương kiểm tra, xem xét cơ cấu nợ vay của người chăn nuôi và có giải pháp khoanh, giãn nợ vay. Công tác này đã được thực hiện như thế nào, kết quả ra sao?
- Thời gian qua, Ngành Nông nghiệp tỉnh cùng với NHNN chi nhánh Bình Định, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh và chính quyền các địa phương đã tiến hành kiểm tra, nắm bắt tình hình vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi heo và khả năng hoàn trả nợ của các tổ chức, cá nhân. Ngày 30.5, Sở NN&PTNT, NHNN tỉnh và các NHTM đã làm việc với UBND huyện Hoài Ân - địa phương có đàn heo lớn nhất tỉnh - bàn giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi.
Theo NHNN tỉnh, đến cuối tháng 4.2017, tổng dư nợ cho vay chăn nuôi heo và sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gần 603,7 tỉ đồng, trong đó cho vay chăn nuôi heo 486,77 tỉ đồng. Có trên 8.600 khách hàng là hộ gia đình và doanh nghiệp (DN) đang còn nợ vay các ngân hàng, trong đó dư nợ của cá nhân khoảng 442,95 tỉ đồng, chiếm gần 73,4% tổng dư nợ. Riêng địa bàn huyện Hoài Ân, tổng dư nợ cho vay đối với ngành chăn nuôi trên 150 tỉ đồng với 2.338 khách hàng. Qua kiểm tra, phần lớn các khách hàng vay vốn đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, khó có khả năng trả nợ theo đúng kỳ hạn.
Trên cơ sở phân tích thực trạng nợ vay, khả năng hoàn trả nợ của người chăn nuôi và các đề xuất kiến nghị của chính quyền địa phương, các NHTM đã thống nhất cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho người chăn nuôi, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; đồng thời xem xét miễn, giảm lãi tiền vay và xem xét cho vay mới để duy trì và phát triển chăn nuôi. Theo chúng tôi, việc xem xét, cơ cấu lại nợ vay của các NHTM sẽ góp phần giúp người chăn nuôi từng bước khắc phục khó khăn.
● Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ làm gì để ngành chăn nuôi heo phát triển theo hướng bền vững, hạn chế tình trạng cung - cầu bất cập như hiện nay, thưa ông?
- Thực tế cho thấy, tình trạng mở rộng phát triển chăn nuôi heo một cách tự phát tại các địa phương chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, nhất là địa bàn huyện Hoài Ân, đã và đang để lại nhiều hệ lụy.
Do vậy, để ngành chăn nuôi heo phát triển bền vững, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, đánh giá lại thực trạng chăn nuôi, trên cơ sở đó quy hoạch cơ cấu ngành chăn nuôi, vùng phát triển các loại vật nuôi cụ thể, đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ và định hướng phát triển chăn nuôi phù hợp.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và đầu tư nâng cao chất lượng đàn heo hiện có, đảm bảo an toàn thực phẩm; khuyến khích các DN đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất con giống, chăn nuôi hữu cơ gắn với chế biến thực phẩm. Tạm dừng xem xét, cấp phép cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê đất xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và đầu tư chăn nuôi heo bố mẹ, heo thịt thương phẩm. Xúc tiến kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi thu hút các DN đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt tại tỉnh ta để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; hình thành và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi. Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo các địa điểm đã được tỉnh quy hoạch, phê duyệt.
● Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)