Xã Vĩnh An (Tây Sơn): Tìm giải pháp ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm gần đây, nạn tự tử, tự sát trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại xã Vĩnh An có chiều hướng gia tăng. Triển khai có hiệu quả các giải pháp đã đề ra để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này là việc cần làm ngay.
Để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi nạn tự tử, tự sát trong đồng bào DTTS, chính quyền địa phương và các ban, ngành cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho bà con.
- Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại xã Vĩnh An. Ảnh: H.CHI
Vĩnh An là xã miền núi của huyện Tây Sơn, có 5 làng (làng Giang, Giọt 1, Giọt 2, Xà Tang và Kon Mon) với hơn 370 hộ (1.430 nhân khẩu); trong đó trên 90% là người dân tộc Bana.
Theo thống kê, từ năm 2014 đến cuối tháng 4.2017, cả xã xảy ra 19 vụ tự tử (100% là của đồng bào dân tộc Bana) làm chết 8 người, 11 người được cứu sống. Trong đó, chỉ riêng trong năm 2016, xảy ra đến 11 vụ, làm chết 5 người. Từ đầu năm 2017 đến ngày 30.4.2017, xảy ra 3 vụ, làm 1 người chết.
Ông Đinh Lắc, cán bộ văn hóa - xã hội UBND xã Vĩnh An, tâm tư: Gần đây, nạn tự tử, tự sát diễn ra khá nhiều, nhất là trong năm 2016. Thậm chí, có người quyết tâm tìm cái chết đến 2 lần, như anh Đ.V. (27 tuổi, làng Giọt 1). Do mâu thuẫn với gia đình vợ về đất đai, anh V. uống thuốc diệt cỏ tự tử, nhưng được mọi người kịp thời phát hiện, đưa đi cấp cứu; nhưng lần sau thì không ai kịp phát hiện. Đáng buồn hơn nữa là trường hợp 2 anh em ruột cùng tìm đến cái chết. Tháng 12.2016, anh Đ.N (38 tuổi, làng Giang) treo cổ tự tử sau khi cãi nhau với vợ về chuyện sạ ruộng. Đến tháng 3.2017, em trai anh N. là anh Đ.T. (30 tuổi, ở cùng làng) cũng quyết “đi theo” anh trai chỉ vì mâu thuẫn với gia đình.
Được biết, đa số các trường hợp tự tử, tự sát bắt nguồn từ nguyên nhân mâu thuẫn trong gia đình nhưng không được giải quyết kịp thời; từ đó tâm lý bị ức chế, tự ái, buồn bực, mượn rượu giải sầu và dẫn đến hành động tiêu cực. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp hoàn cảnh gia đình khó khăn và bị ảnh hưởng, chi phối nhiều bởi các tập tục lạc hậu. Một điểm chung đáng chú ý nữa là những trường hợp tự tử rất ít tham gia hội họp, sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể tại địa phương.
Ông Đinh Ven, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, cho biết: Chính quyền địa phương đã cử cán bộ, các hội, đoàn thể đến từng làng tuyên truyền, phân tích cho bà con nhận thấy hành vi tự tử là không đúng. Tuy nhiên, do trình độ dân trí của bà con còn hạn chế nên việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn.
Nhưng, theo nhận định của Ban Dân vận Huyện ủy Tây Sơn thì: Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì còn có nguyên nhân chủ quan là đảng ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, đề ra biện pháp tích cực ngăn chặn tình trạng tự tử, tự sát. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội chưa kịp thời nắm bắt tâm trạng, tư tưởng của các hội, thành viên cũng như của nhân dân. Các tổ hòa giải, người có uy tín trong đồng bào cũng chưa phát huy vai trò của mình trong việc giúp đỡ, giải quyết kịp thời các vụ việc, mâu thuẫn trong cộng đồng.
Trước tình hình trên, ngày 24.5 vừa qua, Ban Dân vận Huyện ủy Tây Sơn đã tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp ngăn chặn tình trạng tự tử, tự sát trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện”. Tại hội nghị, Ban Dân vận đã đề ra một số nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế, đẩy lùi nạn tự tử, tự sát trong đồng bào DTTS. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới; tích cực chăm lo đời sống, nâng cao dân trí, xây dựng thôn, làng đoàn kết, gia đình hòa thuận; tạo điều kiện để bà con phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối với những hộ, người có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ tự tử, tự sát cao.
Bên cạnh đó là tăng cường trách nhiệm, vai trò của già làng, người có uy tín trong việc vận động, giúp đỡ bà con tích cực sản xuất, cải thiện đời sống; hạn chế uống rượu, xóa bỏ các tập tục lạc hậu; làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Riêng UBND xã Vĩnh An cần xây dựng kế hoạch, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể để tập trung tuyên truyền, vận động đến từng làng, từng hộ gia đình ngăn ngừa kịp thời các trường hợp có ý định tự tử.
VĂN LỰC