Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Tăng trách nhiệm của các sở giáo dục - đào tạo
Chưa đầy một tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ diễn ra. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi với phóng viên về những vấn đề dư luận quan tâm.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra tại hội đồng thi Trường ĐH An Giang
* PHÓNG VIÊN: Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) của Bộ GD-ĐT vừa đi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại một số tỉnh, thành. Kết quả như thế nào, thưa ông?
* Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Nhìn chung, công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia năm 2017 được thực hiện tích cực, chu đáo tại các địa phương. Các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi đều được các địa phương tính toán cụ thể và có phương án bố trí hợp lý, đảm bảo đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của quy chế. Đặc biệt, ngay cả ở các vùng có điều kiện khó khăn như các tỉnh thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các tỉnh biên giới, hải đảo… cũng đã dành những điều kiện tốt nhất có thể cho các cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia kỳ thi này. Nhiều tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo thi cấp huyện… Nói chung, công tác chuẩn bị thi đã cơ bản hoàn tất.
Tuy nhiên, như vừa qua Ban chỉ đạo thi quốc gia kiểm tra công tác thi ở Bình Dương, Đồng Nai đã lưu ý các địa phương vẫn phải tiếp tục kiểm tra chặt chẽ mọi vấn đề trong công tác tổ chức thi, như việc đảm bảo tính bí mật của đề thi, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho phòng thi, các khâu trong in sao đề thi. Dù mọi thứ đã sẵn sàng trong công tác chuẩn bị nhưng vẫn cần hết sức thận trọng, không chủ quan trong mọi tình huống. Với các điểm thi, cần lường trước các tình huống có thể nảy sinh trong quá trình thi trên địa bàn tỉnh mình (mưa lũ, an toàn thực phẩm, giao thông) nhằm có các phương án dự phòng, xử lý hiệu quả.
Đặc biệt, công tác vận chuyển, in sao đề thi là hết sức quan trọng, chỉ cần một sơ suất nhỏ trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn đề thi sẽ gây ra hệ lụy rất lớn. Vì vậy, công an các địa phương cần hết sức thận trọng trong vấn đề này, tránh tư tưởng chủ quan. Ban chỉ đạo thi các tỉnh cần tập huấn thật kỹ công tác sao in đề thi, công tác coi thi và vận chuyển đề thi, bài thi. Vì nếu không tập huấn kỹ công tác này sẽ rất dễ nảy sinh những sai sót.
* Xã hội vẫn có băn khoăn rằng, giao quyền chủ động cho các sở GD-ĐT tổ chức thi rất khó nghiêm túc vì áp lực tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT hay việc chạy theo “bệnh thành tích” mà “nới lỏng”. Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết như thế nào để đảm bảo khách quan, công bằng cho tất cả thí sinh?
* Đây không phải là năm đầu tiên sở GD-ĐT chủ trì kỳ thi. Kỳ thi năm 2015, 2016 là sự tập dượt, chuẩn bị từng bước để năm 2017 này tổ chức thi tại các địa phương do sở GD-ĐT chủ trì. Bộ GD-ĐT chủ trương tăng cường phối hợp đi liền với phân cấp, gắn tự chủ với tự chịu trách nhiệm cho các địa phương, đơn vị. Công tác thanh tra sẽ được tăng cường, tất cả các vi phạm quy chế thi đều sẽ được xử lý nghiêm túc, đủ sức răn đe theo quy định của quy chế và pháp luật hiện hành.
Để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo kết quả thi chính xác, khách quan, các trường ĐH-CĐ sẽ tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương. Ở khâu coi thi, trong mỗi phòng thi sẽ có một cán bộ là giáo viên THPT của tỉnh và một cán bộ giảng viên ĐH-CĐ làm giám thị. Tại mỗi điểm thi sẽ có một cán bộ đến từ trường ĐH-CĐ làm phó trưởng điểm thi. Lãnh đạo trường ĐH- CĐ tham gia làm phó trưởng ban chấm thi; cán bộ, giảng viên của các trường sẽ tham gia chấm thi.
* Cho đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã 3 lần công bố đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm và đề thi tham khảo. Cấu trúc và hướng ra đề thi năm nay sẽ như thế nào?
* Năm nay là năm đầu tiên mà trước kỳ thi, Bộ GD-ĐT công bố các đề minh họa, đề thi thử nghiệm, đề thi tham khảo làm cơ sở cho giáo viên và học sinh tham khảo trong dạy học và ôn tập. Các đề thi này đã giúp học sinh, giáo viên hình dung được dạng thức, mức độ của đề thi chính thức trong kỳ thi.
Cấu trúc đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 phù hợp với hình thức thi theo bài đã công bố trong phương án thi. Đề thi có nội dung trong chương trình phổ thông, chủ yếu lớp 12, tiếp tục theo hướng đánh giá năng lực người học như tăng cường vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đảm bảo phân hóa kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH-CĐ.
Trong mỗi đề thi của các môn thi thành phần và của các bài thi độc lập, các câu hỏi sẽ được sắp xếp từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho các em trong khi làm bài. Đề thi sẽ có các câu hỏi ở mức độ cơ bản (khoảng ít nhất 60%) phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, các câu hỏi còn lại đáp ứng mục tiêu phân hóa ở các mức độ khác nhau để phục vụ mục tiêu xét tuyển sinh vào hệ thống các trường ĐH-CĐ khá đa dạng hiện nay.
Năm nay cả nước có 866.007 thí sinh dự thi, giảm nhẹ so với năm trước. Vai trò tổ chức thi đã được Bộ GD-ĐT giao về cho địa phương. Mọi sai sót xảy ra, Sở GD-ĐT các địa phương phải chịu trách nhiệm, Bộ GD-ĐT và các trường đại học chỉ giữ vai trò hỗ trợ, giám sát. Vì vậy, các địa phương cần hết sức thận trọng, kỹ càng trong mọi khâu, công tác chuẩn bị, nhằm tránh xảy ra những sai sót không đáng có.
Ngày 10.6, Bộ GD-ĐT sẽ giao đề thi tất cả các môn cho các địa phương. Đề thi dự bị sẽ được giao vào ngày 17.6. Các địa phương sẽ có một tuần để chuẩn bị công tác in sao. Chính vì thế, công tác tập huấn, công tác chuẩn bị in cần được địa phương đặc biệt chú trọng.
Theo PHAN THẢO - THANH HÙNG (SGGP)