Chính sách của TT Mỹ là mối đe dọa lớn với châu Á hơn là châu Âu
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ vai trò lãnh đạo trong các liên minh, quan hệ thương mại và gần đây là thỏa thuận chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những thách thức trong chính sách “American First” (Nước Mỹ là trên hết) có thể ảnh hưởng mạnh hơn với châu Á.
Chi tiêu quốc phòng của Mỹ và một số nước. Ghi chú: (*) NATO (không gồm Mỹ và Canada), (**) Úc, Brunei, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Đối với Bộ trưởng Quốc phòng các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) tại Singapore, quyết định của Tổng thống Mỹ về rút khỏi thỏa thuận Paris, cũng như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đó, khiến châu Á phải đặt câu hỏi: Liệu Mỹ có còn là nước bảo trợ an ninh đáng tin cậy, khi mà những nước ở khu vực này đang phải đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc?
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho rằng, một số nước lo ngại việc Mỹ rút khỏi TPP và thỏa thuận Paris cũng là dấu hiệu cho thấy nước này rút khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu. “Mặc dù những quyết định này có thể gây ra sự thất vọng, nhưng chúng ta không nên cho rằng điều này đồng nghĩa với tất cả,” ông Turnbull nói.
Theo Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế John Chipman, cách tiếp cận theo kiểu kinh doanh trong chính sách ngoại giao của ông Trump thu hút được sự quan tâm đặc biệt, nhất là trong vấn đề Triều Tiên.
Ông Trump bày tỏ sự cứng rắn với Bình Nhưỡng khi đưa ra tất cả khả năng đối thoại và dùng sức mạnh quân sự, nhằm đảm bảo Triều Tiên không phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và bắn tới Mỹ. Đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Á, các nước này lo ngại rằng, Tổng thống Mỹ có thể hy sinh các lợi ích của những nước này, nhất là nỗ lực đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, trong khi Mỹ tìm cách có được sự ủng hộ của Bắc Kinh để kiềm chế Triều Tiên.
“Điều này có thể dẫn đến việc Mỹ nhìn toàn bộ khu vực qua lăng kính Triều Tiên,” ông Chipman nói.
Mặc dù các đồng minh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương chưa công khai lên tiếng bày tỏ lo ngại gì về độ tin cậy trong sự đảm bảo an ninh của Mỹ, nhưng các nước đã bắt đầu lo lắng từ khi Mỹ quyết định rút khỏi TPP, một hiệp định mang tính chiến lược và gắn liền với các mục tiêu kinh tế mà Mỹ thỏa thuận với 11 nước tham gia. Năm ngoái, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter từng ví TPP như là việc Mỹ điều một tàu sân bay khác đến khu vực này.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 hồi tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tìm cách “lái” cuộc tranh luận với ông Trump sang vấn đề ủng hộ luật pháp quốc tế trong cả vấn đề thương mại và tự do hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, cho đến cuối tháng trước, Mỹ vẫn không thực hiện hoạt động tuần tra nào tại vùng biển này, kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Trong khi đó, châu Âu cũng đối mặt với những thách thức chiến lược, do chính sách tách biệt của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump. Tuy nhiên, ngoại trừ mối lo ngại với Nga, theo Giáo sư Hugh White, thuộc Đại học Quốc gia Úc, những thách thức ở châu Âu ít quan trọng hơn.
Thách thức trật tự châu Á
Theo ông White, những gì Trung Quốc đang làm hiện nay là thách thức với cả trật tự ở châu Á. Vì vậy, đối với đồng minh của Mỹ ở châu Á mà có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, những quyết định cứng rắn của ông Trump có lẽ quan trọng hơn là những cam kết về thương mại hay biến đổi khí hậu.
Việc quân đội Mỹ xem Trung Quốc là đối thủ “ngang cơ”, cũng như cam kết của ông Trump về tăng số lượng tàu chiến từ 275 lên 350 có vẻ như là động thái đáp trả trực tiếp đối với chương trình phát triển hải quân và tên lửa chống hạm của Trung Quốc.
Lê Quảng (theo Bloomberg)