Những sáng kiến quốc phòng mới của ASEAN dự kiến triển khai năm 2018
Tại Đối thoại Shangri-La 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Singpore Ng Eng Hen đã đưa ra một loạt sáng kiến quốc phòng mới mà nước này dự tính sẽ triển khai trong thời gian đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2018.
Bộ trưởng Quốc phòng Singpore Ng Eng Hen phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2017.
Theo đó, trước tiên Singapore sẽ khởi xướng tập trận hải quân chung giữa Trung Quốc và ASEAN. Thật ra, ý tưởng về một cuộc tập trận như vậy không mới. Nó đã được hai bên đề cập tới trong nhiều năm qua. Trung Quốc đã chính thức đề xuất tập trận chung với ASEAN như một trong năm sáng kiến nhằm thúc đẩy quan hệ hai bên tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc không chính thức (ACDMIM) hồi tháng 10.2015 ở Bắc Kinh.
Vào thời điểm đó, ý tưởng tập trận chung bị nhiều nước thành viên ASEAN phản đối, song kể từ đó tới nay ít ra cũng có một vài nước bày tỏ ý định sẵn sàng tìm hiểu ý tưởng này. Vấn đề làm thế nào để triển khai cuộc tập trận đang rất được quan tâm.
Khi ý tưởng được đưa ra đề cập lần đầu tiên, phạm vi cuộc tập trận được đề cập rất hạn chế, bao gồm: tìm kiếm và cứu hộ hàng hải, cứu trợ sau thảm họa. Song, ý tưởng sẽ khó trở thành hiện thực nếu không thể giải quyết được những vấn đề tồn tại như thiếu lòng tin hay đề cập chính xác địa điểm tập trận, đặc biệt ở những khu vực đang xảy ra tranh chấp lãnh thổ.
Thứ nhì, Bộ trưởng Ng tuyên bố rằng Singapore sẽ mở rộng Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) ra đối với tất cả các nước tham gia ADMM-Plus, bao gồm 10 quốc gia ASEAN và các nước đối tác Mỹ, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản New Zealand, Hàn Quốc và Nga.
Sáng kiến này cũng dựa trên những ý tưởng trước đó. Trước đó, CUES đã được 21 quốc gia thành viên Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc và toàn bộ các nước ASEAN có tranh chấp, thông qua vào tháng 4.2014. Và sáng kiến đang được một số nước (trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản) áp dụng trong các cuộc tập trận của mình. Vì vậy, điều mà Singapore muốn làm là cố gắng chính thức hóa những quy tắc trên cho tất cả các nước.
Sáng kiến thứ ba cũng là cuối cùng, Singapore sẽ dẫn dắt ASEAN hướng tới việc thành lập một bộ quy tắc về tránh va chạm trên không giữa máy bay quân sự của các nước thành viên, tương tự Biên bản ghi nhớ Mỹ-Trung về các Quy tắc Ứng xử An toàn trong các vụ đụng độ trên trên không ký hồi tháng 9.2015.
Sáng kiến này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Dù gần đây Singapore đã đưa ra nhiều đề xuất an ninh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực hàng hải, Bộ trưởng Ng vẫn quan tâm tới tầm quan trọng của an ninh hàng không. Ông đã nhiều lần trực tiếp kêu gọi xúc tiến việc ký kết những thỏa thuận như vậy và thỏa thuận Mỹ-Trung là một mô hình điển hình giúp ông gặt hái được thành công khi thúc đẩy sáng kiến nói trên.
Bên cạnh 3 sáng kiến nói trên, Bộ trưởng Ng cũng cho biết thêm, Singapore và Việt Nam đã đề xuất đưa ADMM-Plus trở thành một diễn đàn tổ chức hàng năm nhằm giúp trang bị tốt hơn cho ASEAN để đối phó với những thách thức khẩn cấp.
Đây là một trong những đề xuất nhận được sự ủng hộ không chỉ đối với các nước thành viên ASEAN mà còn đối với nhiều nước đối tác trong "Plus". Nó cũng phù hợp với nỗ lực tăng cường các cuộc gặp thường xuyên của ADMM-Plus.
Khi được triệu tập lần đầu tiên vào năm 2007, ADMM-Plus được tổ chức 3 năm một lần. Sau đó, các cuộc họp của ADMM-Plus đã được điều chỉnh 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2013 sau cuộc gặp của các bộ trưởng ở Campuchia năm 2012. Với thực trạng như hiện nay, việc đẩy mạnh các cuộc gặp của ADMM-Plus trở thành diễn đàn hàng năm là điều có thể chấp nhận.
Hồng Hà (Theo Diplomat)