Thấy gì về thực trạng quản lý trật tự xây dựng?
Dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng công tác quản lý xây dựng nói chung, nhất là quản lý trật tự xây dựng (QLTTXD) đô thị trên địa bàn tỉnh, vẫn còn nhiều bất cập. Vì vô số lý do, không ít nhà ở, công trình xây dựng có sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại; những vi phạm mới tiếp tục phát sinh…
Diễn biến phức tạp
Vài năm trở lại đây, số vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm. Ông Đặng Thành Trưng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, cho biết: Riêng năm 2016, toàn tỉnh có 231 vụ vi phạm xây dựng không phép và sai phép, bị phát hiện và xử lý, giảm 34 vụ so với năm 2015. Các trường hợp vi phạm tập trung chủ yếu tại 3 địa phương có tốc độ phát triển đô thị nhanh là TP Quy Nhơn (139 vụ, chiếm 60% tổng số vụ vi phạm năm 2016), huyện Hoài Nhơn (42 vụ, chiếm 18%) và TX An Nhơn (25 vụ, gần 11%).
Sự cố sập nhà số 296 Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn xảy ra ngày 20.4.2017.
Ông Nguyễn Văn Thành, Đội trưởng Đội Trật tự đô thị TP Quy Nhơn, cho hay: Tuy số vụ vi phạm trên địa bàn thành phố trong 2-3 năm gần đây giảm, nhưng tính chất vụ việc phức tạp và nghiêm trọng hơn. Tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích xảy ra chủ yếu ở khu vực vùng ven, như các phường: Nhơn Bình, Nhơn Phú, Quang Trung, Ghềnh Ráng, vì đất rừng, đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư có các dự án quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị. Ví dụ như ở phường Nhơn Bình, nhiều người vẫn còn tư tưởng “đất của tôi thì tôi làm (nhà)” dù chưa có giấy phép xây dựng vì chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Còn ở khu vực nội thành, lỗi vi phạm phổ biến là xây phòng lồi ra ngoài ban công; sai nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp.
Ngoài ra, theo ông Trưng, còn nhiều lỗi vi phạm đáng chú ý khác như xây dựng chưa tuân thủ theo quy hoạch được duyệt; trong thi công còn xem nhẹ an toàn của người lao động và cộng đồng xung quanh nơi xây dựng công trình, gây hậu quả nghiêm trọng, mà mới đây nhất là vụ sập nhà tại số 296 Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn. Riêng trường hợp này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1612/QD-UBND ngày 9.5.2017 thành lập Tổ điều tra sự cố công trình, nhằm xác định nguyên nhân gây ra sự cố sập nhà và đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Bất cập trong xử lý
Trong lĩnh vực QLTTXD, có khá nhiều văn bản pháp quy liên quan đến xử phạt hành chính và xử lý vi phạm trật tự xây dựng; song vẫn còn một số điểm chưa thống nhất với nhau và chưa phù hợp với thực tế. “Chẳng hạn, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ. Còn Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 02/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính là công chức. Trong khi đó, Đội Trật tự đô thị TP Quy Nhơn chỉ có 1 công chức là đội trưởng; số còn lại là viên chức và hợp đồng lao động. Khi phát hiện vi phạm, lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ chống lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép của đội không thể lập biên bản vi phạm, mà phải phối hợp với cán bộ phường, xã. Điều này dẫn đến chậm trễ và hạn chế trong xử lý vi phạm” - ông Nguyễn Văn Thành phân tích.
Thanh tra Sở Xây dựng cũng cho rằng, việc triển khai, quán triệt các văn bản pháp luật nói trên cũng chưa sâu rộng ở các cấp, các ngành. Ở một số địa phương, cán bộ cấp cơ sở chưa nắm chắc luật nên còn sai sót khi xử lý hành vi vi phạm. Ở một số địa phương, chính quyền chưa chỉ đạo cương quyết; công tác quản lý đất đai, xây dựng còn buông lỏng. Lực lượng quản lý và xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn thiếu về số lượng và yếu về trình độ chuyên môn (đặc biệt là cấp xã); phần lớn công tác kiêm nhiệm thay vì chuyên trách nên không phát hiện kịp thời và giải quyết triệt để vi phạm ngay từ đầu; có lúc còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện, xử lý vi phạm chưa thỏa đáng và chưa dứt điểm.
Theo ông Đặng Thành Trưng, công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật liên quan đến QLTTXD nhằm nâng cao hiểu biết của người dân, ví dụ như chuyên mục hỏi đáp pháp luật trên trang web của Sở Xây dựng, dù được xây dựng và đăng tải thường xuyên nhưng vẫn chưa thực sự đi vào đời sống.
Để khắc phục những tồn tại trên, Thanh tra Sở Xây dựng đề xuất một số giải pháp. “Trước hết là đẩy mạnh quán triệt văn bản pháp luật trong lĩnh vực xây dựng tới các ngành, các cấp; đồng thời, thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các quy định QLTTXD thông qua các hội đoàn thể, báo đài và lực lượng công chức làm công tác QLTTXD; tạo điều kiện để người dân tham gia quản lý xây dựng” - ông Trưng nói.
Cũng theo ông Trưng, cần xác định rõ trách nhiệm chính của các cấp, ngành trong công tác quản lý xây dựng nói chung và QLTTXD đô thị nói riêng trên từng địa bàn. Tăng cường kiểm tra phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm ngay từ đầu nhằm nâng cao tính răn đe. Đẩy mạnh phối hợp giữa chính quyền đô thị (UBND cấp huyện, xã) với lực lượng thanh tra ngành Xây dựng. Tiếp tục củng cố và kiến nghị UBND tỉnh bổ sung chức danh và 1-2 biên chế cán bộ QLTTXD/xã; đồng thời xây dựng chế độ trả lương phù hợp nhằm tạo dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách…
TỐ UYÊN