Thị trường thực phẩm chức năng: Mập mờ sáng - tối
Các công ty, cơ sở nhập khẩu và phân phối thực phẩm chức năng (TPCN) quảng cáo rầm rộ, thổi phồng công dụng và giá bán, khiến thị trường sản phẩm này rơi vào cảnh “tranh tối, tranh sáng” làm người tiêu dùng không biết đâu mà lần, trong khi đó việc quản lý còn nhiều bất cập.
Dòng sản phẩm TPCN do Bidiphar sản xuất được kinh doanh trong hệ thống nhà thuốc của tỉnh.
Sử dụng TPCN hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đang trở thành xu hướng tiêu dùng phổ biến. Trên địa bàn Bình Định, có rất nhiều sản phẩm dạng này được kinh doanh dưới nhiều hình thức. Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), hiện có 11 doanh nghiệp (DN) phân phối TPCN; còn cơ sở bán lẻ có khoảng vài trăm hiệu thuốc, cửa hàng dược phẩm. Riêng đơn vị sản xuất, mới có Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) với các sản phẩm đã đưa ra thị trường như: Calonate, Nabee Gold, Mister Pro, Hokminseng, Thìa canh, Kingdomin, BDF Gluco Vita C.
Thực phẩm chức năng như... thuốc chữa bệnh
Tại một cửa hàng mỹ phẩm ở Trung tâm thương mại Quy Nhơn, khách hàng được người bán giới thiệu các mặt hàng “xịn”, “hot” trong làm đẹp như sản phẩm hồi xuân, viên nén sữa dê, nghệ sữa ong chúa… với giá vài triệu đồng trở lên. Trước băn khoăn về chất lượng sản phẩm, khách hàng được trấn an rằng hàng này được đích thân chủ cửa hàng nhập khẩu bằng đường… xách tay.
Điều đáng nói, các mặt hàng TPCN được quảng cáo là hàng nhập ngoại hiện rất đa dạng về chủng loại, mức giá cũng chênh lệch nhau khá lớn, từ 300 - 500 ngàn đồng đối với hàng bình dân và lên vài triệu đồng đối với hàng cao cấp. Nguồn gốc các sản phẩm chủ yếu được nhập về từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… Theo chia sẻ của nhiều chủ quầy thuốc, khách hàng thường thích những sản phẩm được sản xuất từ nước ngoài hơn là nội địa, dù giá đắt hơn có khi đến vài triệu đồng với cùng một loại.
Không chỉ các cửa hàng bán trực tiếp, trên mạng internet cũng nở rộ các shop bán TPCN online. Đặc biệt, nắm bắt được nhu cầu, tâm lý của người tiêu dùng, các dòng TPCN làm đẹp từ bên trong, giảm cân, điều hòa nội tiết, bồi bổ sức khỏe đối với người mắc bệnh hiểm nghèo… được bán rầm rộ qua các kênh quảng cáo trên mạng xã hội như facebook, twitter, zalo, website… với nhiều chủng loại.
Theo bác sĩ Trần Thị Ánh Hồng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, TPCN được tiêu thụ theo hình thức hàng xách tay, bán online rất nhiều. “Sự phát triển đa dạng của các kênh truyền thông, mạng xã hội đã hỗ trợ đắc lực trong việc quảng cáo sản phẩm quá mức công dụng. Chúng tôi từng xử lý DN đăng ký phân phối TPCN tại thị trường Bình Định vi phạm quy định này” - bác sĩ Ánh Hồng cho hay.
Trong khi đó, Sở Công Thương cho biết, kinh doanh TPCN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu thông qua các quầy tân dược và các DN hoạt động bán hàng đa cấp. Thời gian qua, một số cơ sở đã cố tình vi phạm các quy định ghi nhãn và quảng cáo sản phẩm TPCN. “Một số trường hợp quảng cáo TPCN có tác dụng như... thuốc chữa bệnh, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng của nhóm sản phẩm này. Qua tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp của các DN có hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh, đã có một số DN, người tham gia bán hàng đa cấp quảng cáo, thông tin chất lượng, công dụng, giá bán của sản phẩm TPCN không đúng như thẩm định cho phép” - Giám đốc Sở Công Thương, ông Man Ngọc Lý cho biết.
Thị trường phát triển “nóng”, quản lý chưa theo kịp
Thống kê của Bộ Y tế, đến nay thị trường trong nước có khoảng 10.000 sản phẩm TPCN, trong đó nhập khẩu chiếm 40%. Đáng chú ý, chỉ hơn 3 năm gần đây, đã thêm gần 1.800 DN tham gia sản xuất, kinh doanh TPCN.
Về quản lý nhà nước đối với TPCN, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã chuyển hoạt động quản lý về an toàn thực phẩm sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm thay vì theo phân khúc sản xuất, kinh doanh, nên khắc phục được sự chồng chéo. Tiếp đến, ngày 9.4.2014, Liên bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó có TPCN.
Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh, quá nóng đã gây khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát loại sản phẩm này trong thời gian qua, và dự báo sẽ còn tiếp tục trong giai đoạn đến. “Hiện, hành lang pháp lý về quản lý TPCN tại Việt Nam chưa rõ ràng, dẫn đến những bất cập. Trong khi đó, việc cung cấp các bằng chứng khoa học về tác dụng, hiệu quả của TPCN tại nước ta vẫn còn khoảng trống. Ðiều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản để hoàn thiện cơ chế quản lý, kiểm soát TPCN tốt hơn”, ông Man Ngọc Lý phân tích.
Dưới góc nhìn của đơn vị sản xuất, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Tổng giám đốc Bidiphar, nhận định: TPCN không phải là thuốc chữa bệnh mà chỉ mang tính chất hỗ trợ, nhưng trên thực tế thị trường này đang “loạn”. Việc hậu kiểm chất lượng, sau cấp phép, sau sản xuất chưa chặt chẽ. Có những cơ sở qua kiểm tra thực tế, dùng nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng thì làm sao đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường sản phẩm TPCN, ông Man Ngọc Lý cho rằng, các cơ quan chức năng có liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh; kiểm tra quảng cáo TPCN trên địa bàn, giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu TPCN theo quy định. Đồng thời, công khai các cơ sở vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
THU HIỀN