“Quý Mỹ Ðiền” - Người “góp tiếng” cho trống tuồng
Hơn 30 năm qua, nhạc công Nguyễn Văn Quý (năm nay 51 tuổi) miệt mài rèn luyện, không ngừng học hỏi để tiếng trống của mình được vào chương trình biểu diễn của hầu hết các đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh. Trong các hoạt động bảo tồn và phát huy bài chòi cổ, anh cũng có những đóng góp thầm lặng nhưng quan trọng.
1.
Quê Nguyễn Văn Quý ở thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước), nơi có nhiều thầy tuồng, bài chòi giỏi, có nhiều gánh hát nổi tiếng. Cách đây hơn 30 năm, khi một nhóm thầy tuồng và người dân hâm mộ trong thôn quyết định góp công sức mở lớp đào tạo lớp diễn viên, nhạc công kế cận, chàng trai trẻ Văn Quý được bố mẹ cho theo học.
Anh Nguyễn Văn Quý đang truyền dạy cho học trò tại nhà (thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước).
“Lúc ấy, kể cả mình nữa, có hết thảy 7 người học làm nhạc công. Chúng tôi không chỉ học kỹ thuật, các ngón nghề trình diễn, mà còn được thầy Phạm Tể (quê ở xã Phước Hòa, Tuy Phước) hướng dẫn cách nắm bắt kịch bản, đọc và hiểu cái thần nhân vật trong các vở diễn, để vận dụng sao cho phù hợp, linh hoạt; nhịp nhàng với lời ca tiếng hát trên sân khấu. Riêng tôi, tôi còn theo thầy đi xem, làm quen với các nhạc công giỏi của các đoàn tuồng không chuyên trình diễn như thế nào gần cả năm trời!”, nhạc công Văn Quý chia sẻ.
Có tố chất tốt nhưng Nguyễn Văn Quý không cậy vào đó mà lơi là luyện tập. Anh miệt mài luyện tập đôi tay cầm dùi và ngày càng điêu luyện trên mặt trống... Tên tuổi và nghề trống của chàng nhạc công trẻ được nhiều đoàn tuồng không chuyên biết đến và rồi anh theo các đoàn phục vụ khắp nơi. Năm 2011, tham gia biểu diễn trong Đoàn tuồng Sao Mai tại Liên hoan nghệ thuật tuồng không chuyên tỉnh Bình Định năm 2011, anh Văn Quý đã được trao giải nhạc công xuất sắc nhất.
Nhờ chịu khó nâng cao trình độ biểu diễn, chuyên cần, Nguyễn Văn Quý có cơ hội học hỏi từ nhiều nhạc công giỏi nghề, cũng như được phục vụ cho nhiều danh ca như Hoàng Chinh, Lệ Siềng... Tay nghề của anh nhờ vậy cũng lên cao dần. Thậm chí đến giờ anh còn thuộc lòng lời thoại, những miếng diễn của nhiều danh ca. Tiếng trống của “Quý Mỹ Điền” ngày càng thêm hay một phần cũng nhờ vào điều này.
2.
“Mỗi lần đi đến các địa phương biểu diễn, biết được người nào am hiểu về kỹ thuật đánh trống tuồng, tôi đều tìm tận nhà trò chuyện, học hỏi với tinh thần cầu thị. Như có lần đi diễn ở xã đảo Nhơn Châu, tôi mở mang kiến thức khi được một cao nhân chỉ cho cách đáp lại tiếng trống chầu tại trường theo các mùa trong năm... Ngay cả những điều đơn giản nhất nhưng liên quan đến trống là tôi đều hâm mộ, muốn biết và nếu được thì học luôn. Có rất nhiều điều thú vị khi mình được học kiểu như vậy!”, anh Văn Quý chia sẻ.
“Roi trống của Nguyễn Văn Quý hiện thuộc loại số một trong giới nhạc công âm nhạc truyền thống hoạt động không chuyên. Quý đa năng, tích cực tham gia đóng góp cho hoạt động biểu diễn của các đoàn tuồng, hay công tác bảo tồn và phát huy bài chòi cổ... nên được người trong nghề trân trọng!”.
Ông NGUYỄN AN PHA, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh
Khi hội đánh bài chòi cổ dân gian được phục hồi, tài năng và kinh nghiệm biểu diễn cùng các đoàn bài chòi trước đây của anh Văn Quý càng có dịp phát huy. Anh trở thành nhạc công không thể thiếu của CLB bài chòi cổ thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh. Anh cũng là thành viên tích cực trong đội bài chòi cổ huyện Tuy Phước.
Nghệ nhân Nguyễn Phú, một trong những hiệu trụ cột của đội bài chòi cổ Tuy Phước, nhìn nhận: “Roi trống của anh Quý theo làn điệu hay lắm, chuyển không chỉ một thể loại mà nhiều thể loại theo cách nhịp 1, nhịp 4 xử lý tinh tế. Anh hiểu diễn viên, hiệu nên tiếng trống góp phần “dìu” nuôi hơi hát và tạo sự hưng phấn biểu diễn...”.
Nhạc công Văn Quý còn tận tâm truyền dạy nhiều học trò, có người đã ra nghề theo đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh biểu diễn. “Học trò đa số trẻ tuổi, tôi động viên cố gắng luyện tập và theo nghề nhằm góp phần giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Lại có người đã 70 tuổi vì quá đỗi mộ tuồng nên đến xin học trống. Tôi phải kính cẩn thưa: Chú cao tuổi mà bảo con nhận làm học trò thì thật là lỗi đạo... Nên chú cần gì ở con, lúc nào con cũng sẵn sàng nói hết, nhưng gọi là thầy trò thì cho con xin phép không nhận”, nhạc công Văn Quý khiêm tốn kể lại.
HOÀI THU