Vì sao các nước đồng loạt cắt đứt quan hệ với Qatar?
Vào sáng 5.6, 5 nước vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Bahrain, Yemen và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ với Qatar, sau những tranh cãi ngoại giao trong những tuần gần đây.
Với Saudi Arabia: Theo hãng thông tấn Saudi Press Agency, Saudi Arabia đã đưa ra quyết định trên do những vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống của chính quyền Qatar trong những năm qua với mưu đồ gây ra xung đột trong nội bộ của Saudi Arabia, phá hoại chủ quyền của Saudi Arabia, nuôi dưỡng nhiều nhóm khủng bố và giáo phái nhằm mục đích gây mất ổn định tại khu vực.
Nguy cơ khủng hoảng lương thực tại Qatar đang tiềm ẩn sau quyết định "tẩy chay" Qatar của các nước vùng Vịnh.
Trong số các nhóm cực đoan mà Saudi Arabia cáo buộc Qatar ủng hộ và che chở có Tổ chức anh em Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda, bằng việc kích động thông qua các kênh phương tiện thông tin đại chúng riêng.
Ngoài ra, Qatar cũng hỗ trợ hoạt động của các nhóm khủng bố do Iran tài trợ tại tỉnh Qatif của Saudi Arabia và tại quốc gia láng giềng Bahrain.
Qatar cũng cung cấp tài chính, nuôi dưỡng và che chở các phần tử cực đoan có ý định gây mất đoàn kết ở Saudi Arabia và nước ngoài. Qatar đã sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để lôi kéo những người ủng hộ xung đột nội bộ của Saudi Arabia.
Saudi Arabia còn được thông báo về việc chính quyền Qatar ủng hộ nhóm phiến quân Houthi, ngay cả khi liên minh ủng hộ chính phủ của Tổng thống Yemen Mansour Hadi được thành lập.
Với UAE: UAE tuyên bố hoàn toàn ủng hộ lập trường của Saudi Arabia đối với Qatar, cho rằng Qatar đang đe dọa tới sự ổn định và an ninh ở khu vực, né tránh trách nhiệm cũng như thực thi những thỏa thuận ký kết với các nước vùng Vịnh.
UAE đã yêu cầu phái bộ ngoại giao của Qatar ở Abu Dhabi phải rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ, sau khi gọi đây là nơi ban hành "các chính sách cứng rắn của Qatar nhằm phá hoại an ninh và gây mất ổn định khu vực".
UAE cảnh báo công dân của Qatar phải rời khỏi nước này trong vòng 14 ngày. Công dân Qatar cũng bị cấm vào hoặc đi qua UAE bằng mọi phương tiện.
Với Bahrain: Bahrain quyết định cắt đứt quan hệ với Qatar do việc nước này tiếp tục gây mất an ninh và bất ổn ở Bahrain cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của Bahrain.
Một số lý do khác, đó là hành động kích động của Qatar thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hỗ trợ các hoạt động khủng bố, cung cấp tài chính cho các nhóm phiến quân có liên hệ với Iran.
Tuyên bố của Bahrain nhấn mạnh Qatar đang gieo rắc bất ổn ở Bahrain, vi phạm trắng trợn tất cả các thỏa thuận ký kết trong khu vực cũng như các quy định luật pháp quốc tế.
Bahrain yêu cầu công dân Qatar rời khỏi nước này trong vòng 14 ngày, trong khi các nhà ngoại giao Qatar được cho phép 48 giờ để về nước. Bahrain cũng cấm tất cả công dân nước này tới hoặc định cư ở Qatar sau khi cắt đứt quan hệ.
Với Ai Cập: Tuyên bố của chính phủ Ai Cập nêu rõ một trong những lý do cắt đứt quan hệ là do Qatar ủng hộ Tổ chức anh em Hồi giáo vốn bị Cairo xem là một nhóm khủng bố.
Qatar đang thúc đẩy hệ tư tưởng của al-Qaeda, ủng hộ IS và các hoạt động khủng bố ở bán đảo Sinai. Qatar vẫn tiếp tục can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Ai Cập và các nước trong khu vực, đe dọa tới an ninh quốc gia của các nước Ả rập và gây chia rẽ trong cộng đồng Ả rập.
Với Yemen: Chính phủ Yemen cáo buộc Qatar bắt tay với kẻ thù của nước này, đó là phiến quân Houthi được Iran chống lưng.
Yemen cũng tuyên bố ủng hộ quyết định của liên quân Ả rập do Saudi Arabia đứng đầu trục xuất Qatar ra khỏi liên minh.
Nguyên nhân căng thẳng: Việc các nước đồng loạt cắt đứt quan hệ như vậy hoàn toàn không phải là điều bất ngờ khi căng thẳng đã âm ỉ trong nhiều năm qua, đặc biệt trong những tuần gần đây.
Hai tuần trước, Ai Cập, Saudi Arabia, Bahrain và UAE đã chặn các trang web mới của Qatar. Trước đó (năm 2014), Saudi Arabia, Bahrain và UAE đã rút đại sứ khỏi Qatar khi cáo buộc Qatar can thiệp vào công việc nội bộ của mình.
Xét ở khía cạnh rộng hơn, quyết định "tẩy chay" của các nước Ả rập đối với Qatar ảnh hưởng tới hai yếu tố chính, đó là mối quan hệ giữa Qatar với các nhóm Hồi giáo, và vai trò của Iran với Saudi Arabia - đối thủ chính trong khu vực.
Dù Qatar tham gia liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu chống IS, các nhà lãnh đạo dòng Shiite ở Iraq vẫn nhiều lần cáo buộc Qatar cung cấp tài chính cho IS, cáo buộc bị Qatar bác bỏ. Qatar còn bị cáo buộc có mối liên hệ với nhóm phiến quân Nusra Front, một chi nhánh của al-Qaeda.
Đóng cửa các đường biên giới: Hệ lụy đầu tiên là đường biên giới giữa các nước vùng Vịnh đã bị cắt đứt. Saudi Arabia đã đóng cửa các đường biên giới trên bộ, trên biển và trên không đối với Qatar. UAE, Bahrain và Ai Cập cũng đóng cửa các đường biên giới trên không và trên biển đối với Qatar.
Gián đoạn hàng không ở vùng Vịnh: Hãng hàng không dân dụng của Saudi Arabia cấm các máy bay của Qatar hạ cánh hoặc đỗ xuống các sân bay của họ cũng như đi qua không phận của Saudi Arabia. Ai Cập cũng đóng cửa không phận của họ đối với Qatar và tuyên bố mọi chuyến bay qua lại giữa hai nước sẽ bị ngừng cho tới khi có thông báo mới.
Các hãng hàng không của Bahrain, UAE như: Gulf Air, Etihad Airways và Emirates cũng nối tiếp việc hủy các chuyến bay tới thủ đô Doha của Qatar từ sáng nay (6.6). Một số hãng hàng không giá rẻ khác như: Fly Dubai và Air Arabia cũng có động thái tương tự.
Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Qatar Airways của Qatar đã có hành động đáp trả bằng việc ngừng mọi chuyến bay tới Saudi Arabia.
Động thái trên của các nước đe dọa gây ra sự cố gián đoạn hàng không quy mô lớn tại vùng Vịnh. Nó buộc các máy bay phải chuyển hướng và chắc chắn thời gian của một số chuyến bay sẽ bị tăng thêm.
Khủng hoảng thực phẩm: Trong khi đó, một số nguồn tin cho biết, người dân Qatar đang đổ xô đi mua dự trữ thực phẩm và nước uống, do Qatar phụ thuộc khá nặng vào nguồn cung ứng thực phẩm của Saudi Arabia.
Khoảng 40% thực phẩm của Qatar được cung cấp từ các nước láng giềng vùng Vịnh.
Hồng Hà (Theo Al-Arabiya, BBC)