Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo việc "ưu đãi thuế dàn trải, thiếu minh bạch"
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo giao Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nghiên cứu vấn đề báo chí phản ánh việc Việt Nam áp dụng nhiều hình thức ưu đãi thuế dàn trải, thiếu minh bạch.
Oxfam tính toán, mỗi năm, các nước đang phát triển (bao gồm cả Việt Nam) bị thất thu 100 tỷ USD do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
Mới đây, báo chí dẫn đánh giá của chuyên gia tổ chức Oxfam cho rằng: Việt Nam áp dụng nhiều hình thức ưu đãi thuế dàn trải, phức tạp, thiếu minh bạch, tạo lỗ hổng thuế.
Theo đó, Oxfam khuyến nghị, Việt Nam cần công bố khoản chi ngân sách tương đương với ưu đãi thuế (do thu giảm), phân tích chi phí - trừ lợi ích và giảm dần sử dụng ưu đãi thuế.
Các đánh giá của Oxfam được đưa ra trong bối cảnh hiện trên cả nước đang có hơn 30 lĩnh vực khuyến khích, 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi tại 53/63 tỉnh, chưa kể 300 khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nghiên cứu vấn đề trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Như Dân Trí đưa tin trước đó, nghiên cứu của Oxfam đã chỉ ra rằng, mỗi năm, các nước phát triển (bao gồm cả Việt Nam) bị thất thu 100 tỷ USD do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Khoản tiền này có thể giúp 124 triệu trẻ em đang phải bỏ học được đến trường và cứu sống 6 triệu trẻ.
Nhẽ ra, các doanh nghiệp này phải có trách nhiệm đóng đủ phần thuế của mình, tại những nơi mình có hoạt động kinh doanh, để hoàn trả lại những trách nhiệm về môi trường, đất đai, và nguồn lực công khác mà doanh nghiệp sử dụng của nước sở tại. Thế nhưng, hệ thống thuế hiện tại lại đang cho phép các công ty tránh đóng hàng tỷ đô la tiền thuế trong khuôn khổ pháp luật.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng thông tin thêm: Giai đoạn đầu những năm 2000, Việt Nam cũng đã từng có “cuộc đua xuống đáy” rất mạnh mẽ khi hàng chục tỉnh thành ban hành văn bản phá rào ưu đãi thuế, đất đai để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Những ưu đãi này khiến hoạt động đầu tư tại Việt Nam có chi phí rẻ hơn so với nhiều nước khác. Bên cạnh đó, lao động giá rẻ, tiêu chuẩn môi trường tương đối lỏng lẻo nên DN FDI vẫn coi Việt Nam là điểm đến dù hạ tầng tương đối yếu, tham nhũng phổ biến, dịch vụ công kém, chính sách ngắn hạn…
Theo Bích Diệp (Dân trí)