Tai nạn gia tăng trên các tuyến đường GTNT: Ý thức người tham gia giao thông chưa cao
Theo thống kê của ngành chức năng, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) hiện nay đang xếp thứ hai, sau số vụ tai nạn tại các tuyến quốc lộ; tỉ lệ TNGT trên đường liên xã, liên huyện, tỉnh lộ và đường thôn, đường xóm chiếm 24%.
Đường GTNT bị lấn chiếm, nhiều đường nhánh, nhỏ hẹp là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT thời gian qua.
Nhận thức của người tham gia giao thông còn hạn chế
Có thể nói, nguyên nhân chính dẫn đến TNGT nông thôn tăng trong thời gian qua là ý thức người tham gia giao thông còn kém. Theo thống kê của Phòng CSGT tỉnh, người dân ở khu vực nông thôn khi tham gia giao thông thường vi phạm một số lỗi điển hình, như: Đi không đúng phần đường quy định; chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy; lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ cho phép, điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia; không có giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT làm hàng quán, phơi các loại rơm rạ, lúa... vẫn diễn ra thường xuyên ở các địa phương trên toàn tỉnh.
Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh, từ ngày 16.11.2016-15.5.2017, toàn tỉnh xảy ra 147 vụ TNGT, làm chết 87 người, bị thương 95 người, so cùng kỳ giảm 20 vụ, giảm 5 người chết và giảm 29 người bị thương.
Ngoài ra còn là do phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng, trong khi hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập. Hiện nay, tuy hệ thống GTNT được nâng cấp song mặt đường còn hẹp, các hệ thống biển báo, cọc tiêu còn hạn chế, đèn chiếu sáng chưa phủ khắp.
Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CA tỉnh, phân tích: Không ít người vẫn nghĩ rằng, TNGT nghiêm trọng dẫn đến thương vong thường xảy ra trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nên có phần chủ quan khi tham gia giao thông trên các tuyến đường liên xã, xóm. Nhưng thực tế, TNGT trên địa bàn nông thôn đang diễn biến khá phức tạp, người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, kỹ năng điều khiển phương tiện của người dân khu vực nông thôn không cao, xử lý tình huống kém. Hầu hết các vụ TNGT ở vùng nông thôn rơi vào lứa tuổi thanh niên với các nguyên nhân do người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Do vậy, khi TNGT xảy ra, hậu quả để lại rất nặng nề.
Đơn cử như vụ TNGT làm 1 người chết tại tỉnh lộ 639B, thôn Thành Sơn Tây, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn giữa 2 mô tô đi ngược chiều nhau làm 1 người chết, 1 bị thương mà nguyên nhân được xác định là do người điều khiển mô tô lái xe một tay và đi không đúng phần đường.
Một vài giải pháp
Thời gian qua, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã triển khai một số giải pháp như tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở các tuyến đường liên xã, liên thôn. Tổ chức tuyên truyền trực tiếp và trực quan. Từ đầu năm đến nay, CSGT đã xây dựng 100 mặt pano phản quang tuyên truyền gắn trên trụ điện dọc các tuyến tỉnh lộ. Ngoài ra, ngành chức năng, chính quyền địa phương còn triển khai nhân rộng mô hình “đoạn đường tự quản về ATGT” góp phần giảm thiểu những vi phạm và tổn thất do TNGT gây ra. Đơn cử như UBND xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn vận động hộ gia đình đăng ký cam kết “Gia đình bảo đảm trật tự an toàn giao thông”. Để người dân hiểu, tích cực tham gia mô hình, xã đã tổ chức tuyên truyền cho họ hiểu rõ ý nghĩa của việc triển khai mô hình. Thông qua phản ánh của người dân, xã mời các thanh niên và gia đình thanh niên có biểu hiện vi phạm trật tự ATGT đến UBND xã để giáo dục, viết cam kết. Ông Nguyễn Văn Tý, Trưởng CA xã Nhơn Mỹ, cho biết: “Mô hình về an toàn giao thông đã giúp nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của người dân, số vụ TNGT đã giảm hơn so với những năm trước. Các đối tượng thanh niên thường lái xe lạng lách, đánh võng được giáo dục và đã chấp hành Luật Giao thông khi tham gia giao thông”.
Về lâu dài, ngành chức năng cần sớm lắp đặt biển báo và thiết bị bảo đảm ATGT nông thôn, làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính; đồng thời vận động người dân phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để tránh ảnh hưởng tầm nhìn tại các điểm giao cắt trên đường liên xã, liên thôn, góp phần giảm thiểu TNGT trên cả 3 tiêu chí.
KIỀU ANH