Quê hương anh hùng Nguyễn Trung Trực
Trước đây, vùng bãi ngang – Cát Hải, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Phù Cát giao thông khó khăn. Từ năm 2005, sau khi khánh thành tuyến đường ven biển Nhơn Hội – Tam Quan, vùng đất “4 động, 3 đèo” này trở nên gần gũi, thu hút các nhà đầu tư du lịch, điểm đến của khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Điều đặc biệt được nhiều người quan tâm: Xóm Lưới, Vĩnh Hội, Cát Hải là quê hương anh hùng chống Pháp Nguyễn Trung Trực.
Vùng đất 4 động, 3 đèo.
Vĩnh Hội là một bãi ngang, bên núi, bên biển - phía Tây giáp núi Bà, phía Đông giáp biển Đông, ngăn cách với các thôn xã ở phía Bắc và phía Nam là những ngọn đèo. Nơi đây, các làng được hình thành từ rất lâu đời và định danh là “vùng đất 4 động, 3 đèo” (đèo Sậy, đèo Vũng Tô, đèo Chánh Oai). Trước đây, giao thông ở đây hầu như dựa vào đường biển, vì đường bộ bị đèo dốc của núi Bà chia cắt nên đi lại rất khó khăn. Sau năm 1975, thời kỳ đất nước đổi mới, con đường huyết mạch do tỉnh đầu tư đi qua Vĩnh Hội đã từng bước nâng cấp, từ cấp phối, bê tông xi măng, đến nhựa hóa, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng.
Các thế hệ cư dân Vĩnh Hội chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, số còn lại làm nghề chế biến hải sản và nghề nông. Tuy nhiên, những dấu tích lịch sử - văn hóa hiện còn đã minh chứng nơi đây từng là vùng đất có đời sống kinh tế tương đối khá. Một số dấu tích các thiết chế văn hóa tín ngưỡng cộng đồng làng xã Vĩnh Hội xưa còn lưu giữ đến nay là Lăng Ông Nam Hải, Đình làng, chùa Âm Hồn…
Lăng Ông Nam Hải - nơi thờ thần biển, được xây dựng ở một ngọn đồi nằm phía Đông Dốc Sáo, sát biển. Hiện nay còn lại dấu tích đá xây nền móng và ngói lợp rất nhiều. Lăng cổ đã bị sập đổ trong chiến tranh, ngày nay nhân dân Vĩnh Hội xây một ngôi miếu thờ khác cách nơi Lăng cổ khoảng 100m về phía Đông, ở vị trí thấp hơn để tiện việc lễ bái.
Đình làng Vĩnh Hội - nơi thờ Thành hoàng và các bậc tiền hiền có công với làng. Đình hiện còn chân trụ biểu, nền móng, một đoạn bờ tường hành lang, chân cột… tất cả đều được xây bằng vôi vữa mật. Theo các cụ cao niên trong làng, ngôi đình đã bị hư hỏng trong chiến tranh, chưa được phục hồi.
Chùa Âm Hồn - nơi thờ cúng những cô hồn, âm linh... Tín ngưỡng thờ cúng âm hồn phổ biến vùng cư dân ven biển miền Trung, vốn có nguồn gốc từ nghi lễ “xá tội vong nhân” của Phật giáo. Dấu tích hiện còn của ngôi chùa là tấm bình phong, mảng tường gạch của cổng tam quan, móng tường bao, móng nền chùa… Vật liệu xây dựng bằng gạch và vôi vữa, có dấu vết tu sửa chùa bằng vật liệu xi măng. Ngôi chùa bị lính Nam Triều Tiên tháo dỡ năm 1966.
Những di tích còn lại của Lăng Ông Nam Hải, Đình làng và chùa Âm Hồn đã cho thấy đây là những công trình tín ngưỡng khá kiên cố và bề thế của cộng đồng cư dân ven biển miền Trung lúc bấy giờ. Rất có thể, những công trình kiến trúc cổ ở Vĩnh Hội này là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng chung của cư dân vùng bãi ngang bao gồm: Vĩnh Hội, Tân Thanh, Chánh Oai, Tân Thắng (?)
Vĩnh Hội - Quê hương anh hùng chống Pháp Nguyễn Trung Trực
Nguyễn Trung Trực - vị thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ XIX có câu nói bất hủ “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây”, tên tuổi ông là niềm cảm phục và tự hào của người dân Nam bộ nói riêng và của dân tộc Việt nam nói chung. Ông nội ông vốn là ngư dân xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát).
Theo gia phả của hậu duệ Nguyễn Trung Trực, 2 tông chi Bình Nhựt (Long An) và Tân Thuận (Cà Mau) thì ông nội của nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Đạo vốn là ngư dân xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định. (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát). Cuối thế kỷ XVIII, ông cùng người em trai là Nguyễn Văn Chong vào lập nghiệp tại hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, thôn Bình Nhựt, tổng Bình Chánh, huyện Thuận An, trấn Phiên An. Do xuất thân nghề làm biển nên vào đây gia đình ông cũng làm nghề chài lưới và hình thành “xóm Nghề”.
Bình Định với anh hùng Nguyễn Trung Trực
Năm 2012, ông Nguyễn Hạnh - Phó Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay đã có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Định và về làm việc với UBND tỉnh Bình Định, UBND huyện Phù Cát, UBND xã Cát Hải và một số ban ngành liên quan về ý tưởng xây dựng đền thờ Nguyễn Trung Trực tại quê hương ông: Địa điểm Dốc Sáo, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, bằng nguồn vốn do Tạp chí Xưa và Nay vận động.
Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã mời Cty TNHH Trung tâm Thiết kế, Quy hoạch Bình Định lập xong hai phương án thiết kế xây dựng đền thờ Nguyễn Trung Trực đang trình sở ngành liên quan góp ý.
Về vị trí xây dựng đền thờ Nguyễn Trung Trực tại làng quê ông: Dốc Sáo, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, hiện nay đã được thống nhất cao của UBND huyện Phù Cát, UBND xã Cát Hải, Ban Quản lý di tích tỉnh, Tạp chí Xưa và Nay và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, chưa được sự đồng thuận của Cty TNHH Một thành viên Du lịch và Khách sạn Việt Mỹ và Ban Quản lý Khu kinh tế, vì: Địa điểm Sở VHTTDL đề nghị thỏa thuận có vị trí liền kề với khu quy hoạch chức năng leo núi thuộc dự án KDL Vĩnh Hội, trường hợp xây dựng đền thờ tại vị trí dự kiến thì sau này các hoạt động của KDL sẽ ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của đền thờ…(trích văn bản số: 770/BQL QHXD ngày 27.5.2013, của Ban Quản lý Khu Kinh tế V/v địa điểm dự kiến xây dựng đền thờ Nguyễn Trung Trực tại KDL Vĩnh Hội, gửi Sở VHTTDL).
Để chỉ đạo việc xây dựng Đền thờ Nguyễn Trung Trực, vừa qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH-TT-DL, UBND huyện Phù Cát, Đảng ủy và UBND xã Cát Hải đã đi khảo sát địa điểm dự kiến xây dựng Đền thờ Nguyễn Trung Trực dưới chân dốc Đá Sáo và dấu tích một số công trình kiến trúc cổ tại Vĩnh Hội.
Đây là một cơ hội tốt để tỉnh nhà có thêm một di tích lịch sử bằng nguồn vốn huy động xã hội hóa và công trình di tích sẽ là niềm vinh dự, tự hào của Bình Định - quê hương anh hùng chống Pháp Nguyễn Trung Trực. Việc xây dựng đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực tại làng quê ông: Xóm Lưới, Vĩnh Hội là việc làm đúng đắn, cần thiết để ghi nhớ và tôn vinh công lao chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc của tiền nhân.
Nguyễn Thanh Quang