Phòng bệnh dại trong mùa hè
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật mắc bệnh sang người qua các vết cắn, vết trầy xước trên da, niêm mạc… Tại Việt Nam, bệnh dại tập trung chủ yếu là các tỉnh thuộc khu vực phía Bắc (85%); ít hơn là ở các tỉnh thuộc khu vực miền Trung (9%), miền Nam (4%) và Tây Nguyên (1%). Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
Tại Bình Định, thống kê trong năm 2016 cho thấy, số người đi tiêm phòng bệnh dại là trên 6.700 người (nam giới chiếm 48%); động vật nghi dại chủ yếu là chó (89,1%); còn lại là mèo (8,6%) và các loài động vật khác; có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Sau khi bị động vật nghi dại cắn/cào/liếm trên da, niêm mạc trầy xước khoảng từ 1 - 3 tháng (hiếm khi có trường hợp ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm), bệnh nhân có biểu hiện bồn chồn, thổn thức, chán nản vô cớ hoặc các triệu chứng kích động như: sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, la hét, đập phá đồ đạc…, co thắt, co cứng, co giật hoặc các triệu chứng liệt, tiến triển tới hôn mê và thường tử vong sau 7 - 10 ngày kể từ khi lên cơn dại.
Để phòng, chống bệnh dại, trước tiên nên tiêm phòng định kỳ hàng năm cho động vật nuôi trong nhà như chó, mèo. Hạn chế nuôi chó thả rông. Nhốt cách ly, theo dõi những động vật nghi ngờ bị bệnh. Diệt ngay chó và động vật lên cơn dại.
Bệnh dại rất nguy hiểm, vì khi đã lên cơn dại, tỉ lệ tử vong gần như 100%. Chính vì vậy, điều trị dự phòng là phương pháp hiệu quả nhất. Cụ thể nên tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại cho những người có nguy cơ phơi nhiễm với vi rút dại cao (cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi rút dại, người làm nghề giết mổ chó...).
Ngay sau khi bị động vật nghi dại cắn/cào/liếm trên da, niêm mạc trầy xước (kể cả động vật đã được tiêm phòng), rửa kỹ vết thương trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn I-ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Trong lúc rửa vết thương, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn. Sau đó đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn dự phòng và hướng dẫn tiêm phòng bệnh dại. Tuyệt đối không sử dụng thuốc nam đắp lên vết thương, điều trị bệnh dại.
Tiêm vắc xin phòng dại (càng sớm càng tốt) tất cả các trường hợp bị động vật cắn/cào/liếm trên da, niêm mạc trầy xước (kể cả khi con vật bình thường).
Tiêm vắc xin kết hợp với huyết thanh kháng dại trong các trường hợp: con vật nghi bị bệnh dại, bị mất con vật cần phải theo dõi, vết cắn gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ), vết cắn ở các đầu chi, vết cắn ở bộ phận sinh dục, vết cắn lớn.
BS. HUỲNH VĨNH THU (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh)