Liên hoan Hô hát bài chòi và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại:
Cơ hội quảng bá nét riêng của bài chòi Bình Ðịnh
Góp mặt tại Liên hoan Hô hát bài chòi và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận (DSVHPVT) sắp tới, Bình Ðịnh sẽ không có “kịch bản cứng” cho phần diễn xướng hô hát bài chòi. Thay vào đó, là tinh thần tôn trọng và đề cao bản chất mộc mạc, hồn nhiên của nghệ thuật dân gian, nét đẹp ứng diễn, ngẫu hứng ở hội đánh bài chòi, nhằm tránh “chuyên nghiệp hóa” nghệ thuật dân gian. Ðây là một trong những nét riêng để khẳng định tính độc đáo của bài chòi Bình Ðịnh.
Là một trong những hoạt động văn hóa thuộc khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017, Liên hoan Hô hát bài chòi và trình diễn DSVHPVT (gọi tắt là Liên hoan) do Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ VH-TT&DL) tổ chức tại Quảng Nam từ ngày 9 - 12.6 tới. Các địa phương tham gia gồm: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng (đối với loại hình bài chòi) và Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh (các di sản khác).
Hội đánh bài chòi Bình Định đề cao tính ứng biến, ngẫu hứng của Hiệu khi điều khiển trò chơi dân gian đặc sắc này.
- Trong ảnh: Hội đánh bài chòi Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tổ chức trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn). Ảnh: SAO LY
1.
Như đã thể hiện qua tên gọi, nội dung Liên hoan gồm 2 phần: diễn xướng hô hát bài chòi và trình diễn DSVHPVT đại diện của nhân loại (gồm có: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Hát ca trù, Hát ví dặm, Hát xoan, Hát văn…).
8 nghệ nhân mà Trung tâm Văn hóa tỉnh chọn, mời tham gia Liên hoan thể hiện tính kế thừa, tiếp nối liên tục giữa 3 thế hệ nghệ nhân bài chòi, gồm: Nguyễn Thị Ðức (Phù Cát), ông Trần Hữu Phước và con trai Trần Hữu Thiện (xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn), Nguyễn Phú (Trung tâm VH-TT&TT Tuy Phước), Nguyễn Thị Quý Nhất (Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn), Nguyễn Minh Tuấn, Hoàng Thị Kim Yến (Trung tâm Văn hóa tỉnh), Vương Thị Kim Thơ (giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung - TP Quy Nhơn).
Bình Định tham gia nội dung diễn xướng hô hát bài chòi, cùng với 3 tỉnh có chung di sản là Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng. Theo quy định của Liên hoan, mỗi đơn vị thành lập 1 đội hô hát bài chòi không quá 15 người và diễn xướng theo hình thức tổ chức hội đánh bài chòi, mỗi đơn vị không quá 25 phút.
Với 8 nghệ nhân bài chòi trong tỉnh sẽ tham gia sự kiện trên, dù nội dung Liên hoan không hề mới mẻ, và việc làm Hiệu, hô hát bài chòi cũng quá đỗi quen thuộc với họ, nhưng họ vẫn đầy háo hức, hồi hộp và chuẩn bị kỹ lưỡng- theo cách riêng của bài chòi Bình Định.
2.
Cách riêng ấy của bài chòi Bình Định, theo nghệ nhân Nguyễn Phú, là: Tôn trọng và đề cao bản chất mộc mạc, hồn nhiên của nghệ thuật dân gian, nét đẹp ứng diễn, ngẫu hứng ở hội đánh bài chòi, nên hầu như sẽ không có “kịch bản cứng” cho phần diễn xướng của Bình Định tại Liên hoan này.
Thấm nhuần quan điểm này để tự mình chuẩn bị, trình diễn, ứng diễn tốt nhất chính là sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trong ý thức, tinh thần của mỗi nghệ nhân.
Ngoài ra, công tác tập luyện thực tế những ngày qua cho Liên hoan đa phần chú trọng vào việc tinh gọn các trình thức khai trường, khai hội, dâng thưởng, kết thúc, để vẫn trang trọng, đầy đủ mà đảm bảo thời lượng; chọn lọc những câu Thai hay, sâu sắc, mang phong vị Bình Định để mang đi trình diễn; giữa các cặp Hiệu có sự bàn bạc, trao đổi để “tung - hứng” sao cho ăn ý…
Nghệ nhân Nguyễn Thị Đức chia sẻ: “Từng rất nhiều lần tham gia phục vụ hội tại nhiều sự kiện trong, ngoài tỉnh, song mỗi lần nhận nhiệm vụ là bản thân tôi lại thấy rất vinh dự, xúc động, thêm động lực cống hiến để góp phần bảo tồn, quảng bá di sản. Với hội đánh bài chòi cũng như nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định nói chung, qua thời gian thực hành di sản, nghệ nhân chúng tôi càng vững về những nét đặc sắc riêng trong di sản của quê hương”.
3.
Cùng diễn xướng hội đánh bài chòi với 3 địa phương cùng có chung di sản này trong khu vực, Bình Định càng phải bảo tồn nguyên gốc, thể hiện những nét riêng khác nhất để khẳng định tính độc đáo của mình. Đó là sự bài bản về trình thức, là hệ thống câu Thai có chất cổ, giàu giá trị tư tưởng và nghệ thuật, được chiêm nghiệm, đúc kết, kế thừa qua bao đời, là đặc trưng về âm nhạc- âm nhạc trong câu Thai bài chòi Bình Định thường chỉ có làn điệu bài chòi và ít pha vào đó các làn điệu khác như hò, lý, vè… như ở câu Thai các tỉnh miền Trung khác.
Nhạc sĩ Đào Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, 1 trong 2 người được mời hỗ trợ chuyên môn cho đội hô hát bài chòi Bình Định tham gia Liên hoan, cho rằng: Dàn dựng một hội đánh bài chòi chỉn chu kiểu như chuẩn bị sẵn một tiết mục để nghệ nhân “học thuộc lòng” rồi mang đến trình diễn tại Liên hoan, nhân lực Bình Định hoàn toàn có thể làm tốt. Nhưng những người thực hiện đều thấy được, đó là một sự can thiệp, cách làm “chuyên nghiệp hóa” nghệ thuật dân gian. Nên để nghệ thuật dân gian phát triển theo con đường tự sàng lọc, thích nghi như xưa nay. Đây chính là cách giúp cho hội bài chòi Bình Định không rơi vào xu thế cải biên, cách tân, nặng về tính giải trí như nhiều địa phương. Theo tinh thần chuẩn bị tham dự Liên hoan, hội đánh bài chòi Bình Định sẽ xuất hiện đúng theo những gì tỉnh đã nghiên cứu, đầu tư, phục dựng sau nhiều năm mai một.
“Bảo tồn di sản theo nguyên gốc cũng là tinh thần, tiêu chí công nhận mà UNESCO hướng tới, nhất là trong giai đoạn bài chòi đang chờ được công nhận. Khi bàn về cách góp mặt tại Liên hoan, rất mừng là các nghệ nhân tham gia đều ý thức, tâm đắc về điểm này”- nhạc sĩ Đào Minh Tâm chia sẻ.
SAO LY