Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:
Sẽ xử lý nghiêm các ngư dân cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài
Ngày 28.5, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 732/CÐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành và địa phương (trong đó có Bình Ðịnh) triển khai cấp bách các giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tại tỉnh ta, từ đầu năm đến nay, tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác thủy sản (KTTS) trái phép ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ tuy giảm, song còn cao (13 tàu/88 ngư dân, giảm 6 tàu/70 ngư dân so với cùng kỳ năm 2016). PV báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, về vấn đề này.
* So với cả nước, Bình Định là một trong những địa phương có số tàu cá và ngư dân vi phạm KTTS trái phép ở vùng biển nước ngoài tương đối nhiều. Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã triển khai các giải pháp nào để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này, thưa ông?
Ông Trần Văn Phúc
- Thực hiện Quyết định số 87/QĐ-UBND ngày 8.7.2016 của UBND tỉnh về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18.5.2010 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản lấy ý kiến đóng góp của các ban, ngành, địa phương trong tỉnh để xây dựng Quy chế phối hợp xử lý các vụ việc tàu cá và ngư dân xâm phạm lãnh hải trái phép. Quy chế vẫn trong giai đoạn hoàn thiện, khi nào xong Sở sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt.
Trước đó, ngày 7.3.2017, Sở cùng với Huyện ủy Hoài Nhơn tổ chức Hội nghị bàn giải pháp khắc phục tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ với sự tham gia của nhiều ngành, hội, đoàn thể và bà con ngư dân. Hội nghị đề ra mục tiêu trong năm 2017 phải giảm 50% số tàu vi phạm, năm 2018 giảm 50% còn lại, phấn đấu đến năm 2019 sẽ không còn tàu nào bị bắt giữ. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản và các đơn vị chức năng cũng tiến hành cấp phát miễn phí sơ đồ ranh giới biển Việt Nam cho ngư dân, đảm bảo 100% tàu cá trong tỉnh khai thác vùng biển xa có đầy đủ thông tin về vùng đánh bắt thuộc chủ quyền của Việt Nam; yêu cầu ngư dân ký cam kết không xâm phạm lãnh hải các nước trong quá trình cấp giấy phép KTTS cho các tàu cá xa bờ hàng năm. Đặc biệt, nếu chủ tàu vi phạm thì sẽ không cho hưởng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, cùng các chính sách khác có liên quan.
* Nhiều giải pháp đã triển khai, song tình trạng vi phạm KTTS trái phép ở vùng biển nước ngoài vẫn diễn ra. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do nguồn lợi hải sản ở vùng biển nước ta bị suy giảm, trong khi nguồn lợi hải sản của các nước khác còn phong phú, và với tâm lý hám lợi nên ngư dân đã cố tình xâm phạm trái phép lãnh hải nước ngoài. Đa phần chủ tàu không trực tiếp đi biển mà thuê thuyền trưởng để điều khiển tàu và tự tổ chức đánh bắt. Để có thu nhập cao, thuyền trưởng cố tình xâm phạm lãnh hải các nước khác để khai thác. Một số tàu cá vi phạm sau khi được vận động quay về ngư trường thuộc vùng biển nước ta đánh bắt, song vì không quen ngư trường, tàu công suất nhỏ, ngư cụ không cải tiến... nên khai thác không mấy hiệu quả, bị thua lỗ. Áp lực phải đánh bắt hiệu quả để giữ “bạn” đã khiến một số chủ tàu bất chấp để vi phạm. Cũng có một số chủ tàu nhỏ, cũ, giá trị tàu thấp thường liều lĩnh để khai thác với tâm lý “được ăn cả, ngã về không”, đặc biệt là tàu câu mực của huyện Phù Cát.
Cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân về chủ quyền quốc gia trên biển và ý thức tôn trọng Luật Biển quốc tế.
Cũng nói thêm rằng, hiện các nước trong khu vực, nhất là Indonesia, đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý mạnh đối với các tàu nước ngoài vi phạm trong lãnh hải của họ cũng như các vùng biển đang nằm trong vùng tranh chấp.
* Để ngăn ngừa, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm KTTS trái phép ở vùng biển nước ngoài theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục có giải pháp gì?
- Trước mắt, Sở chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân về chủ quyền quốc gia trên biển, ý thức tôn trọng Luật Biển quốc tế, hiểu rõ về ranh giới các vùng biển; triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân an tâm bám biển; hỗ trợ ngư dân máy móc, thiết bị để giúp họ xác định chính xác vị trí khai thác… Ngoài gắn trách nhiệm của đảng ủy, chính quyền các xã ven biển với việc tàu cá và ngư dân vi phạm, đưa vào tiêu chí xét thi đua ở địa phương, cũng phải xử lý nghiêm các cá nhân cố tình vi phạm như: Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng và giấy phép KTTS từ 3-6 tháng; không thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 48 và các chính sách hỗ trợ khác; tổ chức kiểm điểm trước dân.
Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tăng cường đàm phán hợp tác KTTS với các nước trong khu vực, nhằm tạo điều kiện mở rộng ngư trường đánh bắt hải sản cho ngư dân khai thác hợp pháp; thiết lập đường dây nóng để xử lý các vụ việc tàu cá bị bắt giữ giữa các nước trong khu vực, không để các đối tượng môi giới lợi dụng...
* Cảm ơn ông!
“ Ngoài gắn trách nhiệm của đảng ủy, chính quyền các xã ven biển với việc tàu cá và ngư dân vi phạm, đưa vào tiêu chí xét thi đua ở địa phương, cũng phải xử lý nghiêm các cá nhân cố tình vi phạm như: Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng và giấy phép khai thác thủy sản từ 3-6 tháng; không thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 48 và các chính sách hỗ trợ khác; tổ chức kiểm điểm trước dân ”
TRỌNG LỢI (Thực hiện)