Chính sách “hướng đông” của Nga có thể tăng thêm sức mạnh cho Đông Nam Á
Bất chấp việc phải rút ngắn chuyến thăm Nga hồi cuối tháng 5 do khủng hoảng trên đảo Minadanao, chuyến đi này của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng cho thấy quan hệ ấm dần giữa Moscow và các quốc gia Đông Nam Á.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP
Nga và Philippines ký tổng cộng 10 thỏa thuận cấp chính phủ, trong đó có các thỏa thuận về năng lượng hạt nhân, nông nghiệp và du lịch, cũng như các hiệp định thương mại trị giá gần 1 tỉ đô la Mỹ. Hai bên cũng đạt được sự nhất trí về hợp tác quốc phòng, mở đường cho hoạt động trao đổi quân sự và mua bán vũ khí của Nga.
Chuyến thăm này là bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương và còn cho thấy chính sách ngoại giao độc lập của ông Duterte. Tuy nhiên, điều có ý nghĩa lớn hơn là việc đẩy mạnh những quan hệ này cho thấy sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Nga, với việc chú ý hơn đến Đông Nam Á.
Quan hệ của Nga với Thái Lan cũng được tăng cường, trong đó đáng chú ý là chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hồi tháng 5.2016. Chuyến đi này đem lại thỏa thuận về hợp tác quân sự, cũng như cam kết tăng cường thương mại song phương từ 3,98 tỉ đô la Mỹ vào năm 2014 lên 10 tỉ đô la Mỹ/năm. Dự kiến trong năm nay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng thăm Bangkok, nhân kỷ niệm 120 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.
Ngoài ra, quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” của Nga với Việt Nam cũng được thắt chặt hơn trong năm 2016, với việc thực thi thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU), trong đó Nga đóng vai trò chủ chốt. Moscow hy vọng điều này sẽ là hình mẫu cho một thỏa thuận thương mại lớn hơn giữa EEU và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Viễn cảnh này được đề cập đến tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN, diễn ra tại Sochi (Nga) hồi tháng 5.2016. Tại đây, các bên cũng ký thỏa thuận về một kế hoạch 5 năm nhằm nâng cấp quan hệ Nga-ASEAN lên tầm đối tác chiến lược.
Việc Nga hướng sự quan tâm trở lại đối với Đông Nam Á cũng do các yếu tố kinh tế, vì Moscow đang tìm kiếm cơ hội cho lĩnh vực xuất khẩu vũ khí và năng lượng. Tuy nhiên, điều này cũng xuất phát từ sức ép địa chính trị liên quan đến Mỹ và Trung Quốc.
Về lý thuyết, Nga từng cam kết điều chỉnh lại chính sách đối ngoại tập trung vào Đông Á trong nhiều năm qua, nhưng cho đến gần đây tiến triển trong chính sách này vẫn rất chậm chạp. Chỉ sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, sau khi Moscow sát nhập Crimea, thì giới chức Nga mới thực sự muốn biến sáng kiến này thành hiện thực.
Nỗ lực tìm kiếm một quan hệ gần gũi hơn với châu Á để bù cho sự cô lập từ phương Tây của Nga còn được hỗ trợ bởi cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan và việc ông Duterte trở thành Tổng thống Philippines. Do quan ngại về thể chế dân chủ và nhân quyền tại Thái Lan và Philippines, nên Mỹ và Liên minh châu Âu hạ cấp quan hệ với Bangkok và Manila. Điều này giúp cho Nga có cơ hội quý giá để cải thiện quan hệ với Đông Nam Á.
Những nỗi lo về Trung Quốc cũng khiến Moscow quyết định quay sang Đông Nam Á. Nhìn chung, quyết định của Mỹ trong việc trừng phạt Nga là nguyên nhân khiến Moscow xích lại gần Bắc Kinh. Tuy nhiên, sau những ngôn từ nồng ấm chưa từng có mà Trung Quốc dành cho Nga, Moscow nhận ra rằng sự phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh sẽ khiến nước này ít lựa chọn hơn, ngoại trừ việc chấp nhận các điều khoản của Trung Quốc trong các thỏa thuận kinh tế và chính trị. Để duy trì sự cân bằng, Nga cần có những lựa chọn khác ở châu Á.
Sự đa dạng
Một lựa chọn khác của Nga cho sự đa dạng là Nhật Bản. Điều này lý giải việc Nga nhiệt tình với “cách tiếp cận mới” của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho quan hệ song phương. Tuy nhiên, trên hết, Nga vẫn tỏ ra thận trọng về viễn cảnh gần gũi với Tokyo, do ảnh hưởng của Washington đối với chính sách đối ngoại của Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ ở châu Á. Ngoài ra, việc nền kinh tế Nhật Bản có thể tăng trưởng ở một mức hạn chế cũng là nguyên nhân khiến Nga vẫn chú ý đến các nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á hơn.
Đối với Đông Nam Á, các bên lo ngại Moscow giúp Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này. Cụ thể, hồi tháng 9.2016, Nga và Trung Quốc tập trận hải quân chung trên Biển Đông, cũng như Nga ủng hộ Bắc Kinh phản đối phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế về việc bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tuy nhiên, mặt khác sự tham dự sâu hơn của Nga tại Đông Nam Á có thể giúp ngăn bất kỳ cường quốc riêng lẻ nào thiết lập sự thống trị tại đây. Bản thân Nga không có tham vọng này, do sức mạnh quân sự và kinh tế cũng hạn chế.
Thay vào đó, Nga có thể chỉ xem sự trỗi dậy của Đông Nam Á như là một phát triển độc lập trong một trật tự thế giới đa cực. Điều này chắc chắn phù hợp với mong ước của Moscow về mặt tiếp cận thương mại, cũng như tham vọng mở rộng đối tác châu Á. Trong khi đó, quan hệ gần gũi về kinh tế và chính trị với Nga cũng sẽ giúp Đông Nam Á tạo thế cân bằng với Mỹ và Trung Quốc.
Lê Quảng (theo Nikkei Asian Review)