Trung Quốc mở rộng quân sự hóa Biển Đông để tăng cường kiểm soát trên thực tế
Trong báo cáo thường niên mới nhất về quân sự Trung Quốc, Lầu Năm Góc cho rằng, Trung Quốc đang quân sự hóa các đảo chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, đồng thời sử dụng thủ thuật cưỡng ép phi quân sự để giành quyền kiểm soát vùng biển chiến lược ở châu Á.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa phi pháp tại Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Báo cáo được trình lên Quốc hội Mỹ cũng chỉ rõ: “Trung Quốc tiếp tục thực hiện hành động cưỡng ép mật độ thấp để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Chiến thuật của Bắc Kinh là từng bước tăng cường quyền kiểm soát đối với các khu vực có tranh chấp, trong khi tránh để leo thang thành xung đột quân sự.
Trên Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục xây dựng các căn cứ quân sự trên các hòn đảo có diện tích, trong đó có những công trình xây dựng lớn như đường băng có khả năng tiếp nhận nhiều máy bay chiến đấu. Ngoài ra, Bắc Kinh còn xây các cảng biển mới và khu dự trữ nước và nhiêu liệu tại các đảo chiếm đóng trái phép, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hoạt động quân sự hóa mới của nước này tập trung vào ba hòn đảo mà nước này cải tạo, gồm đá Chữ Thập, bãi Subi và bãi đá Vành Khăn.
“Khi các căn cứ này hoàn tất, Trung Quốc có thể tiếp nhận đến ba trung đoàn máy bay chiến đấu trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam),” báo cáo này viết.
Từ đầu năm 2016, hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) lắp đặt một số vũ khí cố định trên mặt đất tại các đảo chiếm đóng và nâng cấp hệ thống liên lạc giữa các bãi đá. Bắc Kinh lập luận rằng, việc xây dựng này chỉ nhằm mục đích phòng thủ và cải thiện điều kiện làm việc.
Tuy nhiên, mục đích thực sự của PLA có thể là “tăng cường quyền kiểm soát trên thực tế bằng cách nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự trên Biển Đông”.
Khi được quân sự hóa hoàn toàn, những căn cứ này giúp Trung Quốc có đủ sức mạnh, chủ yếu thông qua hải quân PLA, lực lượng dân quân biển và lực lượng hải cảnh, để phát hiện và kịp thời đối phó với động thái của các nước có tranh chấp.
Năm ngoái, Tòa án Trọng tài Quốc tế của Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh phớt lờ phán quyết này và tiếp tục khẳng định chủ quyền vô lý với hơn 90% khu vực ở vùng biển này.
Ngoài ra, sau phán quyết này, Bắc Kinh cũng tăng số lượng tàu hải cảnh, dân quân biển và tàu cá quanh các đảo có tranh chấp.
Lê Quảng (theo Business Insider, The Washington Free Beacon)