Nam Á đối mặt khủng hoảng nước sạch
Ước tính 25% dân số thế giới sẽ không có đủ nước uống vào năm 2050, trong đó những nước như Bangladesh, Trung Quốc và Ấn Độ không được tiếp cận với nguồn nước sạch triền miên.
Theo Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, trong số 193 quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc, có 3/4 nước đang chia sẻ chung sông, hồ với các nước giáng giềng.
Những căng thẳng trong việc tiếp cận nguồn nước đã nảy sinh tại tất cả các khu vực. Nước, hòa bình và an ninh có liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu không có sự quản lý hiệu quả về nguồn nước, nguy cơ gia tăng căng thẳng giữa các cộng đồng dân cư cũng như giữa các quốc gia rất dễ xảy ra.
Hiện Liên hiệp quốc đang tăng cường đối phó nguy cơ xung đột xuất phát từ sự khan hiếm nước bằng việc thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao.
Trong khi đó, Tổng thống Bolivia Evo Morales nhấn mạnh, hành tinh chúng ta, mỗi gia đình, mỗi sự sống trên Trái Đất đều đang đau khổ bởi cuộc khủng hoảng nước và cuộc khủng hoảng sẽ trở nên vô cùng nghiêm trọng trong những thập kỷ tới. Nếu không có những biện pháp nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước, 2/3 dân số thế giới sẽ không có nước uống vào năm 2025.
Cũng theo ông Morales, hơn 2,5 tỷ người đã không tiếp cận được nhà vệ sinh phù hợp và 800 triệu người không tiếp cận được nước uống sạch.
Bolivia đang hứng chịu tình trạng hạn hán nặng nề trong những năm gần đây.
Về phần mình, Đại sứ Anh tại Liên hiệp quốc Matthew Rycroft cảnh báo, hạn hán có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề nhân đạo, giống như ở Somalia, nơi hạn hán dẫn tới tình trạng thiếu hụt lương thực và đói nghèo.
Hiện Trung Quốc, Afghanistan, Bhutan, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Ấn Độ đang chia sẻ chung 3 con sông, song sự hợp tác giữa các quốc gia này rất giới hạn, mặc dù họ đang đối mặt với nhiều vấn đề giống nhau mà nguyên nhân xuất phát chủ yếu do nhu cầu nước và biến đổi khí hậu.
Hồng Hà (Theo Sputnik)