"Lỗ hổng" trong các lệnh trừng phạt Triều Tiên
Bất chấp các nghị quyết trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên, Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục giao dịch thương mại với Triều Tiên, góp phần làm suy yếu tác dụng của các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Triều Tiên.
Kể từ đầu năm tới nay, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc từ Triều Tiên đã tăng gấp bốn lần, bất chấp các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc trong lĩnh vực này. Trong khi đó, xuất khẩu năng lượng của Nga sang Triều Tiên trong 3 tháng đầu năm nay đã tăng gấp đôi so với cùng kì của năm 2016.
Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc, Nga với chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un cho thấy một lỗ hổng lớn trong các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên.
Theo số liệu thống kê chính chức của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc từ Triều Tiên trong tháng 4 đã tăng 20,26 triệu USD. Mặc dù hoạt động vận chuyển quặng sắt dao động từng tháng, song nhập khẩu sắt của Trung Quốc từ Triều Tiên đã tăng 340% so với cùng kì năm ngoái.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc từ Triều Tiên vẫn không thay đổi kể từ sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 4. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác chặt chẽ với nhau để đối phó mối đe dọa an ninh từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc đã áp đặt lệnh cấm nhằm vào nhập khẩu quặng sắt của Triều Tiên hồi tháng 5 năm ngoái, song các giao dịch phi quân sự không nằm trong phạm vi lệnh cấm.
Kể từ khi Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc siết chặt lệnh cấm nhằm vào hoạt động xuất khẩu than đá của Triều Tiên vào cuối năm ngoái, Triều Tiên đã tăng cường xuất khẩu quặng sắt để bù đắp cho khoản thiếu hụt ngoại tệ.
Tuy vậy, thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã sụt giảm đáng kể do vấp phải các lệnh cấm vận. Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc từ Triều Tiên chỉ bằng 1/10 so với nhập khẩu than đá vào năm ngoái và có thời điểm nhập khẩu than đá của Trung Quốc chiếm một nửa doanh thu xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc.
Nhìn chung, xuất khẩu của Triều Tiên sang các nước láng giềng đã giảm 52% so với tháng 3 và 41% so với tháng 4 năm nay.
Trong khi đó, số liệu thống kê của chính phủ Nga cho thấy, thương mại với Triều Tiên đã tăng 85% trong quý I.2017, giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bình Nhưỡng. Xuất khẩu của Nga sang Triều Tiên, chủ yếu là cung cấp năng lượng, đã nhảy lên 133%, tức 31,41 triệu USD trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, dữ liệu thống kê chính thức trên chỉ là bề nổi của tảng băng. Xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ thực sự của Nga sang Triều Tiên lên đến hàng trăm ngàn tấn mỗi năm.
Vào tháng 5, Nga đã mở tuyến dịch vụ phà chuyên chở hàng hóa và hành khách từ cảng Vladivostok của Siberia tới cảng Rajin của Triều Tiên. Với động thái trên, Moscow đã nhấn mạnh cam kết của mình đối với mục tiêu đề ra là thúc đẩy thương mại song phương tăng gấp 10 lần vào năm 2020.
Khác với Mỹ - nước đang tăng cường chiến dịch ngoại giao nhằm siết chặt vòng vây Triều Tiên, Nga tỏ ra công khai ủng hộ Triều Tiên. Trong một phát biểu tại diễn đàn kinh tế ở St. Petersburg hôm 2.6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, các nước nhỏ đều cho rằng họ không còn sự lựa chọn khác ngoài việc sở hữu vũ khí hạt nhân để bảo vệ nền độc lập, an ninh và chủ quyền của mình.
Hôm 2.6 vừa qua, Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết mới tăng cường các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Cả Trung Quốc và Nga đều bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết. Song, nghị quyết chỉ đơn thuần mở rộng danh sách các hàng hóa bị cấm. Nó không bao gồm các biện pháp mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như hạn chế nguồn cung ứng dầu mỏ của Triều Tiên.
Những hạn chế thương mại đã không thể ngăn chặn được Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa. Chỉ trong tháng 5 vừa qua, Bình Nhưỡng đã tiến hành 3 vụ thử tên lửa đạn đạo. Nước này cũng vừa thử một tên lửa hành trình vào sáng 8.6 - quân đội Hàn Quốc cho hay.
Hồng Hà (Theo Nikken Asian Review)