Doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn còn hạn chế
Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị, giải quyết tình trạng cung vượt cầu, gây tồn ứ sản phẩm chăn nuôi, sáng 7.6, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Hội nghị có sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) sản xuất chế biến chăn nuôi lớn, nhỏ trên cả nước như Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Koyu & Unitek, Công ty TNHH Ba Huân…
Xuất khẩu thịt lợn 5 tháng đạt 46 triệu đô la Mỹ
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay, thịt lợn đã được xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường trong khu vực là Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia với 2 sản phẩm: Thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh. Cả nước có 6 cơ sở giết mổ xuất khẩu đi 2 thị trường này. Năm 2016, sản lượng thịt lợn xuất khẩu đạt khoảng 11 nghìn tấn, trong 5 tháng đầu năm 2017, đạt 10,6 nghìn tấn, đạt 46 triệu đô la Mỹ. Trong nhiều năm qua, sản phẩm thịt lợn sữa, thịt lợn choai của Việt Nam luôn bảo đảm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không có lô hàng nào xuất khẩu sang các nước bị trả về và tạo được uy tín trên thị trường. Đối với sản phẩm gia cầm, có 2 công ty đăng ký xuất khẩu sản phẩm thịt gà đã qua chế biến, xử lý nhiệt sang Nhật Bản. Có 5 cơ sở xuất khẩu các sản phẩm trứng đã qua chế biến như: Trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, trứng chim cút đóng hộp sang một số thị trường như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapor, Nhật Bản…
Giết mổ công nghiệp tại Công ty TNHH Minh Hiền - Thanh Oai - Hà Nội.
Tuy nhiên, do chăn nuôi nhỏ lẻ, kiểm soát dịch bệnh khó khăn, cơ sở giết mổ công nghiệp hầu hết không có hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh, không có chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm… dẫn tới việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi gặp vô vàn khó khăn. Ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thắng Lợi cho biết, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi còn tùy vào yêu cầu, điều kiện từng nước nhập khẩu. Mọi xúc tiến thương mại đều vô nghĩa nếu cơ quan thú y hai nước không thông thương...
Lý giải vấn đề này, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho hay: Tại các tỉnh chăn nuôi lớn, mặc dù đã xây dựng được các vùng chăn nuôi trọng điểm, xa khu dân cư, an toàn dịch bệnh... tuy nhiên, vẫn có nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đan xen, dẫn tới chưa hình thành được các vành đai an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi tập trung bởi theo quy định cần có bán kính 1km mới bảo đảm yêu cầu. Hiện Việt Nam chưa có vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh được tổ chức OIE công nhận.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Đánh giá về tình hình xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Vũ Văn Tám cho rằng: Các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, giá thành cao, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, người chăn nuôi, DN đang thiếu thông tin về thị trường, do đó cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh trao đổi thông tin để DN, HTX, người chăn nuôi nắm bắt được. Trong bối cảnh hiện nay, các DN nên hướng đến sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến. Bởi vậy, cần đầu tư đồng bộ: kho lạnh trữ hàng, dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế. Đối với xuất khẩu động vật sống, các nước nhập khẩu yêu cầu rất khắt khe, nhiều rào cản kỹ thuật. Chính vì vậy, cơ sở sản xuất cần bảo đảm an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu...
Về lâu dài, Nhà nước và các địa phương cần dành nguồn lực, kinh phí cho ngành thú y thực hiện các chương trình quốc gia về phòng, chống dịch bệnh nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật. Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án “Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu”. Mục tiêu cụ thể, năm 2017, hoàn thành xây dựng chuỗi thịt gà chế biến chín xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản và từ năm 2018, tiếp tục mở rộng sang thị trường Châu Á, Châu Âu. Đối với thịt lợn, dự kiến hết năm 2020, xây dựng được một số chuỗi sản xuất thịt lợn chế biến chín xuất sang Đông Nam Á, Châu Á, Châu Âu…
Theo Sơn Tùng (HNM)